Trước những tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều tổ chức dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%. Nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể lỡ nhịp phục hồi kinh tế...
Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành (NCIF) cho biết vào thời điểm báo cáo được hoàn thiện (10/2021), Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (kéo dài từ quý 2/2021).

Hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc vẫn đang khắc phục những hệ lụy nghiêm trọng của COVID-19 tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từng bước dần quay trở lại tình trạng “bình thường mới”.

Vì vậy, khi đánh giá về triển vọng phục hồi trong quý 4/2021, TS. Trần Toàn Thắng lưu ý bên cạnh cơ hội “bắt nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, dòng đầu tư FDI, triển vọng thương mại từ các FTA và đặc biệt là sự chuyển hướng trong kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam, tăng trưởng thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 - 2022 của NCIF. Ảnh: VnEconomy

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 4.

“Đó là rủi ro từ biến động giá cả từ thế giới, sự leo thang của chi phí logistics và định hình chuỗi ngày càng gia tăng, sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước, nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động”, ông Thắng nói.

Trước triển vọng khó có thể phục hồi nhanh trong quý 4/2021, cũng như đầu năm 2022, đại diện NCIF cho rằng nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế.

“Đợt dịch lần thứ 4 cũng đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong phân cấp, quản lý điều hành cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch”, ông Trần Toàn Thắng nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu của NCIF, kinh tế quý 4/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng quý 4/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.

Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của NCIF dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở) và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.

“Đây là mức tăng trưởng rất thấp trong nhiều năm trở lại đây của Việt Nam. Do đó, nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế, hỗ trợ cho quá trình phục hồi”, ông Thắng nhấn mạnh.

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 5.

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 6.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay và các năm tới bao gồm: khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất, khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế, khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo đó, bà Minh cũng nêu 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế được kiến nghị bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế. Nội dung và thời gian của ba giai đoạn được trình bày như sau: 

Giai đoạn 1 (từ nay đến quý I/2022): Việt Nam ưu tiên phòng chống dịch COVID-19 và kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Giai đoạn 2 (hết quý I/2022 đến hết 2023): Sau khi kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam sẽ tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, song song đó tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. 

Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn. 

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 7.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đang rất kỳ vọng và mong đợi. Tuy nhiên, dù chính sách hỗ trợ là cần thiết và cấp bách nhưng nguồn ngân sách là hữu hạn. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4%, kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009 đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu.

Trong bối cảnh hiện tại, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo hai hướng chính.

Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất. Nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất, sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh, trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.

Thứ hai, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công; cần phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo nên những đột phá trong phát triển. Theo đó, có ba lĩnh vực Chính phủ cần phải ưu tiên đặt hàng: là đường sắt, kinh tế biển và chuyển đổi số.

Hiện vẫn có dư địa lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi mà những năm qua chúng ta đã nỗ lực để đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp, còn 43,7% GDP so với mức trần là 60%. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2 đến 3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2 đến 3 năm, sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.

Việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước trên thế giới vẫn làm sẽ là điều không phù hợp đối với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Song, việc vay nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá trong phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ đã ban hành, những gói này được ví như nguồn “oxy” cho DN đang “hấp hối”. Đồng thời, cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn; tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để DN có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 9.

“Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 40 - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn so với trần nợ công 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho DN, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”- ĐB nêu.

Cho rằng với bối cảnh năm nay, khó có thể đạt tăng trưởng 3 - 3,5%, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phân tích, các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm đã bám sát tình hình thực tế nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng. 

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 9.

Ngân hàng thế giới (WB) đã đề xuất 4 bài học giúp Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và sớm đi vào trạng thái bình thường mới. Thứ nhất, tiêm chủng cũng như xét nghiệm sẽ đóng vai trò quan trọng để kiểm soát dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Thứ hai, Việt Nam cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn. Thứ ba, nước ta cũng cần tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Cuối cùng, trợ giúp xã hội cần được tăng cường để ngăn chặn  tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương,cũng như hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Không để Việt Nam lỡ nhịp phục hồi kinh tế - Ảnh 11.

Để tăng cường được khả năng phục hồi, Đại diện của WB nhấn mạnh Việt Nam cần thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt. Những khuyến nghị của WB với Việt Nam bao gồm việc cung cấp thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, nhằm nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương. Hơn nữa, việc mở rộng quy mô thanh toán điện tử cũng cần được thực hiện, nhằm tiếp cận những người thụ hưởng đã được xác định một cách hiệu quả.

THỰC HIỆN: TRƯƠNG NHUNG