Không gian đọc là không giới hạn
Khi kỳ nghỉ hè đến, nhiều phụ huynh loay hoay tìm cho con lớp học thêm, câu lạc bộ năng khiếu hay cho trẻ làm bạn với ti vi và các thiết bị điện tử thông minh. Trong khi đó, sách - nơi “mở ra trước mắt ta những chân trời mới” đôi khi lại bị lãng quên.
Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số ý kiến về việc tạo dựng không gian đọc phong phú từ đó hình thành thói quen đọc cho trẻ.
Nhiều không gian đọc đã trở thành “điểm hẹn” của các độc giả nhí. Ảnh: Thiên Uy
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con:
Mở rộng không gian đọc nhờ tưởng tượng!
Câu lạc bộ Đọc sách cùng con ra đời từ năm 2010, đến nay vẫn duy trì hoạt động tại một căn hộ trong khu tập thể Bách Khoa. Một chiếc đi văng cũ, một bộ ghế mây, rất nhiều giá sách và các khoảng không gian được chia không quá rành rẽ cho các loại hình sinh hoạt. Góc này hôm nay trẻ ngồi làm thủ công, đồ chơi mỹ thuật thì hôm sau đã thành nơi tổ chức các trò chơi, chương trình STEM (khóa học trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Tại đây, các con có thể đọc sách theo thói quen, sở thích: Ngồi bàn, vắt vẻo trên thành đi văng, chui vào một cái hốc xanh đỏ nào đó trong mấy cái bục ghế... Đọc xong, các con được làm sản phẩm sáng tạo theo chủ đề mà sách nói tới hoặc chơi những trò chơi, giải các câu đố vui với ngôn ngữ, từ vựng của nhà văn... Đối với trẻ, không gian đọc nào cũng có thể mở rộng không giới hạn khi có chút tưởng tượng. Tạo điều kiện cho trẻ đọc sách tại nhà, các phụ huynh có thể quan tâm sắp xếp góc đọc thú vị, riêng tư, khác lạ.
Qua nhiều năm tổ chức trại hè cho trẻ với những trải nghiệm tập thể ngoài trời, chúng tôi nhận thấy, góc thư viện luôn là nơi yêu thích của các bạn nhỏ. Sau các hoạt động “động”, trẻ tìm đến cái “tĩnh” khi ghé thư viện để nằm, ngồi đọc sách mà không cần bắt ép, hô hào cổ vũ gì cả. Có nghĩa là, việc “mời đọc” cần diễn ra tự nhiên, không hối thúc thì tâm lý “muốn đọc” sẽ xuất hiện một cách tự nhiên, bền vững. Tuy nhiên, bất luận là ở không gian đọc nào trẻ cũng cần có sự khích lệ ý nhị. Ví như, những câu đố được treo đây đó, những mẩu bìa được để sẵn trên bàn với bút, sáp màu để người đọc ngay lập tức có thể viết, vẽ theo ý tưởng bất thần xuất hiện... Phần thưởng cho người đọc tích cực có thể là một chiếc kẹo, tấm vé xem phim hay đơn giản là thái độ tán thưởng của các cô giáo, các bạn. Các hoạt động này đều hướng tới mục tiêu: Trẻ tự giải đáp những thắc mắc của bản thân thông qua sách, tự đọc là tự học. Hơn thế, trẻ còn thấy được những điều thú vị trong cuộc sống bước ra từ trang sách để sẵn lòng tham gia vào cuộc sống thật đang diễn ra xung quanh mình.
Ông Trần Văn Hà, Giám đốc Thư viện Hà Nội:
Cần hình thành sớm thói quen đọc sách cho trẻ
Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Hà Nội hiện đã có sự thay đổi rất lớn. Tỷ lệ sách dành cho thiếu nhi lên tới 35% với nội dung phong phú, đa dạng, hình thức hấp dẫn. Ngoài mảng sách tham khảo phục vụ học tập, chúng tôi bổ sung sách thuộc nhiều lĩnh vực tri thức dành cho thiếu nhi nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên, khoa học, văn học, phát triển tư duy, kỹ năng sống... của trẻ.
Song song với hình thức phục vụ truyền thống, những năm gần đây Thư viện Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để trẻ và phụ huynh có thể tra cứu mục lục trực tuyến, đặt mượn sách trực tiếp trên website, fanpage Thư viện Hà Nội hoặc qua email. Những hình thức phục vụ này mang lại nhiều tiện ích cho bạn đọc. Bên cạnh đó, Thư viện Hà Nội còn tăng cường các hình thức phục vụ thông qua thư viện lưu động tích hợp thư viện truyền thống và thư viện điện tử, phục vụ các em đọc sách tại trường hoặc luân chuyển sách tới các trường, các tủ sách, phòng đọc tại khu dân cư, thôn, làng, bản. Nhiều hoạt động khác cũng được Thư viện thường xuyên tổ chức như trưng bày sách theo chủ đề; mời diễn giả nói chuyện chuyên đề; tọa đàm, giao lưu tác giả - tác phẩm - bạn đọc; phát động các cuộc thi viết về cuốn sách mà trẻ yêu thích, vẽ tranh theo sách; chiếu phim, tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi trí tuệ; xây dựng mạng lưới bạn đọc làm cộng tác viên, hình thành các câu lạc bộ yêu thích sách...
Từ nhiều năm nay, Thư viện Hà Nội đặc biệt quan tâm đến đối tượng bạn đọc cận tuổi cắp sách tới trường. Trong không gian phục vụ thiếu nhi có Góc mẹ và bé. Góc dành riêng cho mẹ và bé hiện đang nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều phụ huynh, đặc biệt là các gia đình trẻ. Bởi theo họ, việc hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ cần phải được quan tâm ngay từ khi con chưa bước vào lớp 1.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương:
Vấn đề lớn nhất không phải là vật chất mà là nhận thức
Cái khó nhất để một tủ sách xuất hiện trong một ngôi nhà nào đó không phải là chuyện làm tủ sách đó mất bao nhiêu tiền. Có rất nhiều căn nhà lớn, đẹp đẽ nhưng không có bóng dáng của tủ sách. Và ngược lại, nhiều ngôi nhà bình thường, thậm chí là phòng trọ, chủ nhân là người lao động bình thường nhưng ở đó vẫn có nhiều sách... Vì vậy, chuyện của tủ sách, của văn hóa đọc trong gia đình là câu chuyện về nhận thức giá trị. Cái gì cần thiết? Cái gì là quan trọng? Cái gì là trung tâm? Cái gì đáng ưu tiên?
Nếu trong gia đình, cha mẹ trân trọng sách, say mê sách, hiểu được giá trị của việc đọc để phát triển bản thân, phát triển văn hóa gia đình thì con cũng sẽ học được thái độ đúng đắn đó.
Cách đây 200 năm, triết gia S.Mill của nước Anh đã nói “người ta sẽ không thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của sự thật khi chưa từng trải nghiệm nó”. Nếu bạn chưa từng đắm chìm trong thế giới của sách, hãy trải nghiệm nó. Nếu ngôi nhà bạn chưa có tủ sách, phòng đọc, hãy tạo ra nó. Nếu con bạn chưa đọc sách, hãy làm sao để trẻ chịu đọc, thích đọc.
Trong thực tế, hiện có một sự chênh lệch lớn trong cơ hội tiếp cận văn hóa giữa trẻ em ở nông thôn và thành thị, ở miền xuôi và miền núi. Đặc biệt là khoảng cách lớn giữa các gia đình mà phụ huynh có nhận thức tốt về vai trò của văn hóa đọc với các gia đình mà ở đó phụ huynh chưa nhận ra vai trò quan trọng của việc đọc.
Song, để tạo ra không gian đọc sách cho con, vấn đề lớn nhất không phải là vật chất mà là nhận thức. Vì sao nhiều gia đình dễ dàng mua sắm vật dụng nhưng không sắm giá sách cho con? Những gia đình gặp khó khăn sao không đưa con đến thư viện hoặc kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng?... Tôi tin rằng, chúng ta có thể cùng nhau giúp đỡ thực phẩm, đồ dùng cho các gia đình khó khăn thì cũng có thể hỗ trợ sách, giá sách, tủ sách cho họ.
Truyền thông về sách và văn hóa đọc cần phải bắt đầu từ chính căn nhà của mình. Đừng bao giờ nghĩ mình là hạt cát quá nhỏ bé. Tất cả mọi thứ trên thế giới, thậm chí cả vũ trụ này, đều được tạo dựng từ các hạt nhỏ bé hơn cả hạt cát. Nhiều sự nhỏ bé sẽ tạo ra sự vĩ đại. Và thậm chí, khi sự nhỏ bé thật sự có ý nghĩa, bản thân nó sẽ trở thành vĩ đại.
Hạ YếnPhó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.