Không gian trưng bày di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ngoài trời đậm sắc màu lịch sử
Nhằm tiếp nối và phát huy giá trị bất biến từ những hiện vật được sưu tập qua các cuộc khai quật khảo cổ tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, đồng thời đưa những giá trị của di sản đến gần hơn với công chúng, mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tổ chức khánh thành Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời Di sản Thành nhà Hồ vừa được khai trương thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham quan.
Không gian trưng bày ngoài trời bao gồm hệ thống các hiện vật bằng đá được sưu tập và khai quật trong thành Nội tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, trong đó chủ yếu là chân tảng và các vật liệu trang trí hành lang của các cung điện xưa với các họa tiết độc đáo như: Hình tượng đài sen, cánh sen hoặc hình rồng uốn lượn là biểu tượng của vua, đại diện cho sức mạnh vương triều và các pano ảnh tấm lớn giới thiệu các hiện vật trang trí kiến trúc đẹp nhất, tiêu biểu nhất của di sản Thành Nhà Hồ. Mỗi hiện vật gắn liền với câu chuyện lịch sử trong dòng chảy hình thành, phát triển nhà Hồ và cả dân tộc.
Với mục đích, thông qua hoạt động trưng bày sẽ giúp cho du khách trong nước và quốc tế có một cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại, bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của một di sản độc đáo, nổi bật đã được thế giới công nhận. Đồng thời khẳng định Thành Nhà Hồ là một kinh đô đã được xây dựng hoàn chỉnh vốn đầy đủ cung điện, đền đài, miếu mạo ở bên trong và được sử dụng liên tục trong suốt tiến trình lịch sử của văn minh Đại Việt chứ không phải là một ngôi thành trống trơn. Đây là minh chứng xác đáng cho những ghi chép trong sử sách về những cung điện, đền đài trong thành nội là hoàn toàn trùng khớp và có căn cứ khoa học.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, trải qua hơn 10 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đang ngày càng chuyển mình với thay đổi về diện mạo và phương thức quảng bá, ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Các cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự mình nói lên câu chuyện văn hóa của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô "Không gian trưng bày ngoài trời là dịp giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương, đất nước; đồng thời thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ hiện tại và cả trong tương lai", ông Linh nhấn mạnh.
Một số hiện vật khác là vật liệu trang trí các hành lang của cung điện. Việc sử dụng các vật liệu bằng đá rất phù hợp và đồng bộ với vật liệu xây dựng Thành Nhà Hồ là đá lớn, thể hiện sức mạnh của nhà nước phong kiến với rất nhiều tham vọng về cách tân, đổi mới. Đồng thời thể hiện trí tuệ, kỹ thuật xây dựng vượt trội trong khu vực Đông Nam Á.
Thành Nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Ngày 27/6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của ủy ban Di sản Thế giới, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ của tỉnh Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng. Cùng với thời gian, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.