Không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng, gây sức tàn phá nặng nề hơn

Chính trị - xã hội
02:59 PM 03/11/2020

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng cho rằng, thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng, gây sức tàn phá nặng nề hơn.

Trước khi vào phần thảo luận của mình, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của đồng bào cả nước với những gian khó vừa qua của người dân miền Trung.

Nhìn lại cơn đại hồng thủy khi miền Trung liên tiếp chịu đựng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và hậu quả vô cùng to lớn cả trước mắt lẫn lâu dài, Đại biểu Thắng đề nghị cần định vị cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực và cả nước trong bối cảnh mới này.

Lý giải những bất thường của bão lũ vừa qua đã có lát cắt về nguyên nhân thiên tai rằng do biến đổi khí hậu, hậu quả của hình thái phức tạp nắng hạn quá lâu ngày, lượng mưa kỷ lục, độ ẩm tăng nhanh, sức kháng của khối đất giảm đi nên đồi núi sạt lở... Nhưng chắc chắn có thể nhận ra là chúng ta mất quá nhiều rừng tự nhiên – tấm lá chắn chắc chắn, an toàn của Mẹ thiên nhiên trước thiên tai ngày càng dữ dội.

Không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng, gây sức tàn phá nặng nề hơn - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng.

Câu chuyện hủy hoại rừng không còn là câu chuyện mới nhưng qua đợt lũ lụt miền Trung, càng thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với những quy mô khác nhau cùng với sinh kế của người dân và phát triển hạ tầng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn bị mất đi.

Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi. Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì thường xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp.

Mất rừng, mất đất,  tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn là nguyên nhân “kích hoạt” lũ quét, sạt lở đất. Cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn. Thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và sức tàn phá nặng nề hơn.

Đại biểu Thắng đề nghị, Chính phủ cần kiên quyết đánh giá thực trạng hiện nay, đặc biệt về chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ, lâu dài về môi trường, khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua.

Ông cũng đồng thời đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên.

Qua mùa lũ lụt lịch sử này, cần nhìn lại chiến lược tổng quát phát triển kinh tế - xã hội cho vùng chịu tác động thiên tai để phát triển bền vững. Phải có những ứng xử chủ động, sáng tạo, tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt.

Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển nhất thiết phải giải quyết cho được vấn đề phát triển nhanh nhưng bền vững; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng sống, khả năng ứng phó, thích nghi của người dân với thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nhanh chóng, kịp thời.

Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng chống thiên tai đồng bộ. Các cơ quan quản lý, các nhà khoa học ở Trung ương cần đánh giá giúp cho địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, nhất là di dời dân và quy hoạch cho vùng dân cư miền núi bị ảnh hưởng của sạt lở đất một cách ổn định và bền vững...

H. Thư
Ý kiến của bạn