Không nên quá lo về lạm phát, mà cần quan tâm đến sức cầu

Diễn đàn
02:55 PM 07/01/2022

Năm 2022, dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ đi cùng bức tranh chung về lạm phát cao trên toàn thế giới, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng điều này không quá lo ngại mà vấn đề cần quan tâm hơn đó là ẩn số về sức cầu.

Không nên quá lo về lạm phát

Lý giải điều này, báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cho rằng, khả năng kiểm soát lạm phát và tỉ giá của cơ quan quản lý trong những năm qua rất tốt, và hiện còn rất nhiều công cụ để giúp kiểm soát nên thị trường chỉ cần thận trọng chứ không nên quá lo ngại về lạm phát. Mặt khác, khả năng lạm phát sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến phía cầu chứ không chỉ là sức ép tăng giá từ phía cung. 

Không nên quá lo về lạm phát mà lo đến sức cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo T.S Yen Chen-Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Investment Consulting, Đài Loan (Trung Quốc), lạm phát hiện nay là kết quả của xu hướng cầu cao hơn cung do chuỗi cung ứng không thông suốt, chứ không phải là lạm phát cơ bản. “Việt Nam nên coi lạm phát tăng là bình thường”, ông Yen chia sẻ tại hội thảo “Thị trường chứng khoán 2022 - Chiến lược phân bổ tài sản và đầu tư hiệu quả” mới đây.

Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức, PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, trong năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng của lạm phát.

Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu do thu nhập của người dân lao động bị giảm vì sự đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh...

Ngoài ra, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. 

Cần quan tâm đến sức cầu

Theo các chuyên gia, lạm phát năm 2022 tuy tăng cao nhưng không quá lo mà cần chú ý đến sức cầu bởi sức cầu tiêu dùng cũng là một ẩn số trong năm sau. 

Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC Việt Nam, động lực chính của lạm phát là do giá năng lượng tăng, nhưng lạm phát do cầu kéo vẫn yếu. Do đó, đơn vị này cho rằng, nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, đẩy lạm phát tăng lên nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ.

Không nên quá lo về lạm phát mà lo đến sức cầu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cũng không loại trừ trường hợp xấu là sức cầu yếu đi, tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Lúc này lạm phát dường như sẽ tốt hơn là giảm phát.

Yếu tố ảnh hưởng đến sức cầu hiện vẫn là đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi biến chủng Omicron xuất hiện. Nhằm ứng phó với số ca nhiễm tăng trở lại, nhiều địa phương như TP.HCM đã nhanh chóng thay đổi quyết định và tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong một số lĩnh vực không thiết yếu. 

“Lạm phát do nhu cầu còn yếu bởi những hạn chế vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Điều đó đồng nghĩa với tình hình nhu cầu trong nước sẽ còn giảm trong một thời gian nữa”, ông Tim Evans - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá.

Cũng theo đại diện HSBC Việt Nam, yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID-19. Trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Việc tăng hay giảm chỉ số CPI/lạm phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế ít nhất trong nửa đầu năm 2022. 

Trong báo cáo của Ngân hàng UOB về triển vọng kinh tế Việt Nam quý I/2022 cũng nhận định, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất ổn định để hỗ trợ cho nỗ lực phục hồi kinh tế.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.