Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Chính sách
07:12 PM 05/05/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Hội thảo tham vấn kỹ thuật về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vừa được Bộ Công Thương tổ chức (ngày 4/5) với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các Hiệp hội, Viện nghiên cứu chính sách về năng lượng, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực điện mặt trời mái nhà. Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà- Ảnh 1.

Hội thảo tham vấn kỹ thuật về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vừa được Bộ Công Thương tổ chức (ngày 4/5). Ảnh: Cấn Dũng

Cần thiết phát triển điện mặt trời mái nhà

Báo cáo tóm tắt về tình hình xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 16/4/2024 và Thông báo số 183/TB-VPCP ngày 25/4/2024 về xây dựng nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại Quyết định số 822/QĐ-BCT.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kến góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Về đối tượng áp dụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Các trường hợp không thuộc đối tượng của Nghị định này như sau: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng. Ảnh: Cấn Dũng

Đề xuất cần thời gian áp dụng "giá 0 đồng" cho điện mặt trời mái nhà

Đồng tình với quy định trong dự thảo nghị định, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản tự tiêu bán điện vào lưới, EVN đồng tình với Bộ Công Thương về quy định "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng".

Quy định đó bao hàm: "Ghi nhận" nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về "lợi và hại" của sản lượng điện này.

Đơn cử, mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính… Mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải,… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều. Giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn, kích động đối với chính sách.

"Về "giá 0 đồng" là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng, vì vậy kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này (ví dụ: Giai đoạn ba năm 2024-2027)", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.

Tăng cơ chế thị trường, tránh lợi ích nhóm trong quản lý điện năng

Hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong xác nhận những ưu điểm, sự đúng đắn của Dự thảo Nghị định tại 3 điểm: Thứ nhất, khuyến khích sản xuất điện mặt trời nói chung và điện tự sản tự tiêu nói riêng - đúng tinh thần của Quy hoạch điện VIII. 

Thứ hai, tôn trọng các yếu tố kỹ thuật và yếu tố quản lý trong quản lý điện mặt trời có kết nối và hệ thống, để đảm bảo sự ổn định và an toàn. Thứ ba, tăng cơ chế thị trường, tăng hài hòa lợi ích trong quản lý điện năng theo Quy hoạch điện VIII, tránh lợi ích nhóm, tránh hạn chế về năng lực cứng và mềm làm hạn chế năng lực điện tái tạo để đảm bảo đạt được mục tiêu net zero carbon mà Chính phủ đã cam kết tại COP 26

Về giải pháp, ông Phong cho rằng cần tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được quy hoạch Điện VIII bảo hộ trong pháp lý.

Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng. Ảnh: Cấn Dũng

Không thương mại hóa điện mặt trời áp mái

PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí (Đại học Bách Khoa) cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.

PGS Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

"Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 - 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực rất lớn lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được", PGS Nguyễn Việt Dũng phân tích và thông tin thêm.

PGS Dũng cho rằng: Toàn bộ hệ thống nhiệt điện bây giờ luôn luôn phải chạy ép để nhường lưới điện cho năng lượng tái tạo mà năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải tụt xuống ngay. Do đó, không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia.

Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà- Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt cảm ơn vì những ý kiến của các chuyên gia về năng lượng, kinh tế, các phát biểu rất sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm nêu ra những vấn đề để Ban soạn thảo Tổ biên tập của Nghị định tiếp thu - Ảnh: Cấn Dũng

Điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng nhằm ngăn trục lợi chính sách

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt cảm ơn vì những ý kiến của các chuyên gia về năng lượng, kinh tế, các phát biểu rất sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm nêu ra những vấn đề để Bộ Công Thương nói chung và Ban soạn thảo Tổ biên tập của Nghị định nói riêng sẽ có những suy nghĩ đầy đặn, đặt ra những tình huống và cố gắng giải quyết được một cách tốt nhất trong chính sách lần này.

Theo Bộ trưởng, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Chính vì mục đích tự sản tự tiêu, Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

"Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… Do đó, sẽ không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà, bởi nếu có hoạt động mua bán điện, doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành", ông Diên nhấn mạnh.

Để hiểu được vì sao Bộ Công Thương đưa ra mức giá 0 đồng, ông Diên cho rằng điều này sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện. Bởi điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.

"Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do vậy, những nhà đầu tư điện chạy nền (điện than, điện khí, thủy điện…) có chịu hi sinh lợi ích mà họ đang có không?".

Bộ trưởng đưa ra quan điểm. Bộ trưởng cũng nhắc lại, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà có thể dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, bởi đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, với tính toán hệ thống điện hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ trong phạm vi của nghị định này thì thời điểm này ghi nhận sản lượng giá 0 đồng, nên mong muốn nhà đầu tư hiểu rõ mục tiêu, còn thời điểm khác sẽ có tính toán hợp lý.

Bộ trưởng kết luận: Chúng ta đều thống nhất nhận định là sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu bởi mấy lý do.

Thứ nhất, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện mặt trời áp mái chúng ta có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.

Thứ hai, là giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.

Thứ ba, là thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Phan Trang
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.