Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai: Phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh
Đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đặc biệt là sau 30 năm tái lập tỉnh; Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã có những bước phát triển ấn tượng, là trụ cột góp phần đưa Lào Cai phát triển nhanh và bền vững; xứng đáng là “hạt nhân kinh tế” vùng Tây Bắc.
Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được thành lập từ năm 2001 theo Quyết định số 100 ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh mở rộng theo Quyết định 1627 ngày 23/11/2018 nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), là cửa ngõ giao thương thuận lợi nhất giữa Việt Nam, các nước trong khu vực ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là cặp cửa khẩu duy nhất có đủ các loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không…
Từ diện tích ban đầu được phê duyệt là 6.513,8 ha, đến nay, sau điều chỉnh, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 15.930 ha với các phân khu chức năng: Khu Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (khu vực hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ) với 3 cặp cửa khẩu: Cửa khẩu Quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc); Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi; Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Kim Thành… và một số khu vực phụ cận thuộc thành phố Lào Cai, các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương.
Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn năm 2020-2025 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI chỉ rõ: "Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh liên kết kinh tế; phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang Đông - Tây".
Năm 2021 là năm đầu tiên đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, mặc dù phải chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid – 19, song Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai vẫn duy trì thường xuyên gần 600 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập - khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Đồng thời, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước với 240 dự án với tổng vốn đăng ký gần 16 nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu phải kể đến dự án lớn như: Nhà máy Luyện đồng Bản Qua, công suất 20 nghìn tấn/năm với tổng vốn đầu tư 3,9 nghìn tỷ đồng; các dự án logistics, kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế có tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng…
Để Lào Cai xứng với vai trò khu kinh tế động lực chủ đạo, đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc, bước vào giai đoạn mới, Lào Cai đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai của tỉnh là vùng kinh tế động lực chủ đạo của địa phương và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia; tạo thế và lực mới đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Hà Gái - Diệu LyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.