Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hút hơn 2,6 tỷ USD đầu tư vào điện khí từ Nga và Hàn Quốc
Trong năm 2022, Quảng Trị sẽ khởi công 2 dự án điện khí, một dự án đến từ tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc và dự án còn lại đến từ Tập đoàn khí đốt hàng đầu Nga – Gazprom.
Theo Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị, tháng 1/2022, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND Quảng Trị và tổ hợp nhà đầu tư đã khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1.
Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), Trung tâm kho cảng sẽ tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 - 226.000 m3 với công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm. Trung tâm điện lực Hải Lăng ở giai đoạn 1 có công suất phát điện đạt 1.500 MW.
Chủ đầu tư của dự án gồm tổ hợp nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) và Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.
Mới đây, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và lãnh đạo cấp cao đến từ Tập đoàn Gazprom. Theo đó, nội dung buổi gặp mặt nhằm thảo luận việc phối kết hợp thực hiện dự án nhiệt điện khí 340MW. Dự án được giao cho Gazprom International làm chủ đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Tại buổi làm với UBND tỉnh Quảng Trị, đoàn công tác Gazprom International đã cập nhật bổ sung các thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, các công việc cần triển khai tiếp theo đối với dự án. Cùng với đó, Gazprom International có nhu cầu mở rộng công suất nhà máy để gia tăng hiệu quả dự án đầu tư; nghiên cứu thị trường tiêu thụ; hợp tác với các nhà điều hành khai thác trong khu vực để kết nối các mỏ khí hiện hữu.
Theo thiết kế, dự án có công suất 340 MW, thực hiện theo công nghệ Tuabin khí chu trình hỗn hợp, dự kiến tổng mức đầu tư 297 triệu USD do Chủ đầu tư tự thu xếp vốn. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Thời gian thi công của dự án khoảng 27 tháng, sử dụng nguồn khí thiên nhiên được khai thác từ mỏ Báo Vàng ngoài khơi tỉnh Quảng Trị làm nguồn nhiên liệu chính và nguồn khí nhập khẩu. Bên cạnh đó, dự án được xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trên diện tích sử dụng đất khoảng 42,23 ha.
Nhà máy dự kiến đưa vào vận hành từ sau năm 2023, với mục đích bổ sung thêm điện năng cho nhu cầu phụ tải điện của khu vực miền Trung nói chung và cả nước nói riêng.
Khi hoàn thành, hai nhà máy điện khí có vai trò quan trọng đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng như bến cảng, giao thông tại Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Theo UBND tỉnh, các dự án năng lượng là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư tại Quảng Trị. Việc thu hút được 2 dự án năng lượng mới giúp Quảng Trị phát triển lĩnh vực năng lượng và định hướng trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực miền Trung.
Minh TiếnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.