Khu thương mại tự do tại Hải Phòng: Đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu
Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, trong đó cho phép lập Khu thương mại tự do.

Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng - Ảnh Vietnamnet
Theo Nghị quyết, Khu thương mại tự do (TMTD) là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu TMTD được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Các khu chức năng trong Khu TMTD đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố quyết định thành lập, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD được thực hiện theo trình tự, thủ tục thành lập, điều chỉnh ranh giới như đối với Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu TMTD; UBND thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về Khu TMTD theo quy định về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là cơ quan trực thuộc UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu TMTD; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong Khu TMTD.
Việc sử dụng đất đối với các loại đất trong Khu TMTD được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho thành phố. Trường hợp vượt chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã phân bổ cho thành phố, thành phố cập nhật vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp theo.
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế trong Khu TMTD không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư hoặc tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.
Quốc hội cho phép Hải Phòng được thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo. Cán bộ, công chức sử dụng vốn từ Quỹ này được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp có thiệt hại do rủi ro khách quan, đã thực hiện đầy đủ quy trình và không tư lợi.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh do thực hiện công việc tại Khu TMTD Hải Phòng.
Quốc hội cũng đồng ý miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm cho người nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và thành viên gia đình (vợ, chồng, con dưới 18 tuổi) làm việc tại doanh nghiệp có trụ sở chính trong Khu TMTD Hải Phòng…
Dự án trong Khu thương mại tự do được miễn toàn bộ tiền thuê đất, mặt nước cho cả thời hạn thuê (trừ dự án nhà ở thương mại, thương mại - dịch vụ); thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên được áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Sau thời gian ưu đãi, thuế suất áp dụng là 15%.

6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.