Khủng hoảng COVID-19 đưa Trung Quốc trở thành 'ngôi sao' ngành thép châu Á
Trong bối cảnh COVID-19, nhiều công ty thép nổi tiếng châu Á từ Nippon Steel của Nhật Bản đến Posco của Hàn Quốc đã đang đóng cửa các lò cao và xem xét kế hoạch chi tiêu vốn. Trong khi nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc Baowu gần đây công bố kế hoạch đầu tư 2,8 tỷ USD vào tỉnh Hồ Bắc trong 5 năm.
Các nhà sản xuất thép châu Á đổ xô đóng cửa, cắt giảm chi phí
Atsushi Yamaguchi, nhà phân tích cấp cao của SMBC Nikko Securities, cho biết: "Đại dịch đã làm nổi bật sự chậm trễ trong cải cách cơ cấu của các nhà sản xuất thép".
Các nhà sản xuất thép châu Á hiện đang đổ xô đóng cửa các cơ sở chi phí cao và giảm công suất các cơ sở khác. Hồi tháng 7, Posco thông báo sẽ đóng cửa một lò nung tại công trình Pohang (có thể sản xuất tới 1,3 triệu tấn thép mỗi năm, tương đương 3% tổng công suất của Posco). Công ty cho biết họ cũng sẽ xem xét đóng cửa hoặc cải tạo một lò khác sớm nhất vào năm 2025. Đại dịch đang đè bẹp nhu cầu thép trong nước và doanh thu giảm 16% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6.
Tại Nhật Bản, sản lượng thép hàng năm dự kiến sẽ thấp hơn 80 triệu tấn. Các nhà sản xuất thép tại Nhật đang phải gánh chịu khoản lỗ ròng khổng lồ.
Vào tháng 2, Nippon Steel thông báo rằng họ sẽ đóng cửa hai lò cao ở tỉnh Hiroshima và Wakayama trong vài năm tới.
Trong một đánh giá về chi tiêu vốn, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản đã cắt giảm 300 tỷ yên (2,8 tỷ USD) so với mục tiêu ban đầu cho giai đoạn 2018-2020. Đại diện công ty cho biết, chi tiêu cho các khoản đầu tư kinh doanh, bao gồm cả sáp nhập, sẽ giảm 10% so với mục tiêu ban đầu giai đoạn 2018-2020 là 600 tỷ yên. "Chúng tôi sẽ lựa chọn cẩn thận và nghiêm ngặt các mục tiêu", người đại diện nói.
JFE Steel, công ty số 2 của Nhật Bản, vào tháng 3 đã tuyên bố sẽ đóng cửa một lò cao vào năm 2023 để cắt giảm 13% công suất sản xuất. Động thái này là một phần của cải cách cơ cấu được công bố cùng tháng.
Vị trí thống trị của Trung Quốc trên thị trường thép toàn cầu
Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc lại có những bước phát triển bền vững nhờ các gói kích thích kinh tế của chính phủ và những đợt thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Sản lượng thép năm 2019 đạt mức cao kỷ lục, chiếm 53% nguồn cung toàn cầu.
Khi Trung Quốc mua nhiều quặng sắt nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, các công ty châu Á khác bắt đầu chịu tỷ suất lợi nhuận thấp, do giá nguyên liệu thô leo thang và giá sản phẩm giảm.
Khi tỉnh Hồ Bắc lâm vào tình trạng bế tắc, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các dự án xây dựng chìm trong bóng tối và nhu cầu thép sụt giảm, các nhà chức trách đã phản ứng bằng cách nới lỏng nguồn cung tiền và đổ nhiều tiền hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Thị trường thép phục hồi nhanh chóng. Trong tháng 7, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 93,36 triệu tấn, sản lượng hàng tháng cao nhất được ghi nhận. Trong khi sản lượng toàn cầu trong tháng đó đã giảm 2,5%.
Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua ArcelorMittal, gã khổng lồ châu Âu từ lâu đã thống trị thị trường toàn cầu.
Trong tháng 8, giá thép cuộn cán nóng của châu Á đã tăng 20% so với tháng 4. Việc Trung Quốc tăng tốc sản xuất cũng đã đẩy giá quặng sắt tăng 30% so với tháng 1, dẫn đến lợi nhuận tăng đáng kể cho các nhà cung cấp quặng sắt của Úc như Fortescue Metals Group.
Miller Wang, cố vấn chính của Wood Mackenzie, cho biết giá thép tăng tại Trung Quốc khiến việc xuất khẩu sang nước này "có lợi" đối với một số nhà cung cấp thép ở nước ngoài như Ukraine và Nga.
Thép Tata của Ấn Độ cũng đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Nó đã tăng xuất khẩu hơn hai lần kể từ tháng 4. Ritesh Shah, một nhà phân tích nghiên cứu tại Investec cho biết: "Các nhà máy Ấn Độ sẽ tiếp tục xuất khẩu cho đến khi nhu cầu trong nước tăng cao hơn".
Tuy nhiên, không có nhiều công ty được hưởng lợi từ những hoạt động xuất khẩu thép này. Thực tế là chỉ 2% số thép tiêu thụ của Trung Quốc là do nhập khẩu.
Ông Eiji Hashimoto, Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản kiêm chủ tịch Nippon Steel cho biết: "Các nhà sản xuất thép Nhật Bản không thể tiếp cận nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc".
Điều này một phần là do xây dựng chiếm 60% tổng lượng thép tiêu thụ ở Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất thép Nhật Bản tập trung vào các sản phẩm cao cấp chủ yếu được sử dụng bởi các nhà sản xuất ô tô. Nhưng các nhà máy Nhật Bản vẫn phải vật lộn với tác động của nhu cầu từ Trung Quốc - giá nguyên liệu thô cao hơn.
Đã có những lo ngại về tình trạng dư thừa thép. Để xoa dịu những lo lắng này, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng thị phần thị trường nội địa do 10 nhà sản xuất thép hàng đầu của nước này kiểm soát lên 60% vào cuối năm nay.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc, để tìm cách thoát khỏi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã bắt đầu xây dựng lò cao ở Đông Nam Á. Do đó, công suất của khu vực này đã tăng lên đáng kể đến mức Viện Gang thép Đông Nam Á đã đưa ra cảnh báo: Trong vài năm tới, khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ dư thừa công suất với sản lượng tăng hơn 61,5 triệu tấn/năm.
Thủy Phạm (theo Nikkei)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.