Khủng hoảng nguồn nhân lực - Nỗi lo ngành du lịch hậu Covid-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:18 PM 07/09/2020

Nhiều ý kiến lo ngại khi dịch COVID-19 qua đi, các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực.

Khủng hoảng nguồn nhân lực - Nỗi lo ngành du lịch hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên du lịch đo thân nhiệt cho khách giữa mùa Covid. Ảnh: Vietnam News.

Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) vừa công bố đã chỉ ra tình trạng nhân viên nghỉ việc tại các công ty tăng cao. Cụ thể, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát có 18% đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên, 48% cho nghỉ việc từ 50% đến 80% nhân viên và 75% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Theo ông Phạm Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hòn Tằm cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra lần một, các công ty du lịch không tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Do đó, người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng dịch cũng không được hưởng các gói hỗ trợ tài chính này. Khi dịch bùng phát lần hai, các công ty du lịch càng khó khăn hơn.

"Đơn cử, Hòn Tằm có hơn 500 lao động. Trong đợt dịch lần một, công ty đã cho nghỉ hơn 300 lao động và hỗ trợ theo mức lương tối thiểu với mong muốn họ duy trì cuộc sống và khi dịch được kiểm soát tốt họ có thể quay lại... Đây là tình hình chung của tất cả đơn vị dịch vụ du lịch chứ không riêng Hòn Tằm" - ông Nhựt nói.

Nhiều công ty du lịch cho hay nếu dịch tiếp tục kéo dài sẽ phải chuyển sang ngành dịch vụ mới để tồn tại, bởi nếu đóng cửa thì vẫn phải tốn chi phí vận hành. Khi hết dịch, họ sẽ tuyển lao động trở lại.

Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Viking Trần Xuân Hùng thông báo đã cho toàn bộ người lao động nghỉ từ ngày 15/7 và hưởng 50% lương. Tuy vậy, ông nhận định những người có bề dày kinh nghiệm từ 5 năm trong ngành du lịch thì những công việc thứ hai mà họ đang làm chỉ là tạm thời trong lúc khó khăn. Do vậy, cơ hội họ quay trở lại với du lịch khá cao. Mặt khác, tầng lớp sinh viên từ các trường du lịch sẽ là lực lượng kế thừa có thể bổ sung thêm cho ngành.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nếu như tháng 1-2020, cả nước đón gần 2 triệu lượt khách quốc tế thì đến tháng 8 vừa qua chỉ còn hơn 16.300 lượt, giảm 98,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khủng hoảng nguồn nhân lực - Nỗi lo ngành du lịch hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Nhiều khách sạn phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách. Ảnh: Facebook.

Ông Phan Bửu Toàn, Chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên (HDV) TP.HCM, cho biết qua nắm bắt cho thấy, một số công ty du lịch có hỗ trợ cho HDV chính thức trong thời điểm khó khăn. Đối với HDV là cộng tác viên, tự do thì phần lớn phải tự lực cánh sinh. Thực tế, những HDV chuyển qua làm nghề khác chỉ là tạm thời trong lúc ngành du lịch đang ngủ đông và họ đều mong dịch hết sớm để được quay lại làm nghề.

Theo ông Toàn, ngoài việc kiến nghị với cơ quan quản lý hỗ trợ HDV, thời gian qua chi hội đã xây dựng chương trình "Điểm hẹn HDV". Qua đó nhằm tạo ra sân chơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, củng cố kiến thức… Đồng thời, nhân viên các công ty du lịch có thể mang đến các sản phẩm nông sản, đặc sản giới thiệu tại sân chơi này để có thêm thu nhập khi du lịch đóng băng.

Nhiều công ty du lịch cũng thông tin đã đề nghị cơ quan chức năng có chính sách kịp thời hỗ trợ giúp các doanh nghiệp về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới. Bản thân các công ty cũng đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn nhân lực, đào tạo tinh nhuệ để có thể làm việc đa năng. Khi du lịch dần hồi phục sẽ bố trí công việc cho các nhân viên của mình ngay khi có thể. Bởi vì việc duy trì, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới là rất cần thiết.

Khách sạn đồng loạt cho nhân viên nghỉ việc

Việt Nam có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể đến số lượng lao động làm những mảng có liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho hay đến cuối tháng 7, khi doanh thu còn chưa kịp hồi phục thì dịch COVID-19 tái bùng phát, lúc này phương án cắt giảm nhân sự lại tiếp tục phải đưa ra.

Tại Hà Nội, có khoảng 28.199 lao động trong ngành du lịch tạm thời nghỉ việc. Còn ở TP.HCM, doanh nghiệp du lịch cũng lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt dịch lần này gây ra. Trong đó, riêng khối doanh nghiệp lữ hành 90% tạm dừng hoạt động, 10% làm ở nhà hoặc trực tuyến, hầu hết doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương. Các khách sạn cho nhân viên nghỉ lên tới 80%-90%.


Tú Uyên
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.