Khủng hoảng tồi tệ, một quốc gia phải cắt điện 13 tiếng/ngày, bệnh viện ngừng phẫu thuật
2 bệnh viện tại quốc gia này đã phải thông báo tạm đình chỉ các ca phẫu thuật.
Chính phủ Sri Lanka mới đây thông báo sẽ cắt điện 13 tiếng mỗi ngày trên toàn quốc kể từ ngày 31/3 trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948.
Sri Lanka đã thiếu điện nghiêm trọng kể từ đầu tháng 3 do không đủ dầu cung cấp năng lượng cho các máy phát điện. Ngoài ra, việc mực nước tại các hồ chứa đang ở mức thấp nguy hiểm vì thiếu mưa cũng khiến quốc gia này không thể trông chờ vào các nhà máy thủy điện - nơi đóng góp tới 40% lượng điện cung cấp trên toàn quốc.
Ngay sau thông báo trên, ít nhất 2 bệnh viện tại Sri Lanka đã thông báo tạm đình chỉ các ca phẫu thuật thông thường vì không đủ vật tư y tế cần thiết để thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán. Cơ sở y tế lớn nhất của Sri Lanka, Bệnh viện Quốc gia ở thủ đô Colombo cũng phải tạm đóng cửa.
Chính phủ Sri Lanka mới đây thông báo sẽ cắt điện 13 tiếng mỗi ngày trên toàn quốc kể từ ngày 31/3
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Ủy ban Tiện ích Công cộng Sri Lanka Janaka Ratnayake, đã kêu gọi hơn 1 triệu nhân viên hành chính bắt đầu chuyển sang chế độ làm việc tại nhà để tiết kiệm điện năng tối đa.
“Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ cho phép khoảng 1,3 triệu nhân viên được làm việc tại nhà trong 2 ngày tới để có thể quản lý tình trạng thiếu nhiên liệu và điện tốt hơn", hãng tin Reuters trích lời ông Ratnayake cho biết.
Cũng theo ông Ratnayake, quyết định cắt điện kéo dài kỷ lục một phần là do chính phủ nước này không thể thanh toán 52 triệu USD cho lô hàng 37.000 tấn dầu diesel nhập khẩu đang chờ hạ tải. Các nhà máy phát điện sử dụng loại nhiên liệu này theo đó cũng bị gián đoạn hoạt động nghiêm trọng do dự kiến sẽ không có dầu diesel trong ít nhất 2 ngày tới.
“Chúng tôi không có tiền để trả. Đó là thực tế tồi tệ’’, ông Ratnayake nói.
Người dân phải sống trong bóng tối
Ngoài ra, dầu diesel cũng là loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến cho các phương tiện giao thông. Điều này khiến người dân Sri Lanka không khỏi khốn đốn. Họ biểu tình trên khắp cả nước để yêu cầu cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện cá nhân cũng như phương tiện công cộng. Không có báo cáo về bạo lực, song hàng trăm tài xế đã lái ô tô chặn ngang các tuyến đường chính ở một số thị trấn để gia tăng áp lực lên chính phủ.
Được biết giá nhiên liệu đã liên tục tăng lên tại Sri Lanka kể từ đầu năm nay trong bối cảnh nguồn cung vô cùng hạn hẹp. Điều này khiến người dân, dù phải xếp hàng dài đợi mua ngoài các trạm xăng thành phố cũng khó có thể đổ đầy bình.
"Tôi phải đi làm xa, mà giờ giá xăng tăng quá. Giá cứ tăng dần, sau 3 tháng đã cao gấp đôi", ông Thusitha Hadaragama, một người dân Sri Lanka chia sẻ.
Ông Hadaragama chỉ là một trong vô số những người dân đang phải vật lộn trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại quốc gia Nam Á này - nơi đang trải qua vô vàn khó khăn do tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ thực phẩm, nhiên liệu đến những mặt hàng phổ thông nhất như giấy.
Ngành giáo dục phải tạm hoãn vô thời hạn các bài kiểm tra do thiếu giấy, trong khi ngành báo in cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Một số tờ báo của Sri Lanka tạm thời sẽ chỉ có phiên bản trực tuyến hoặc giảm số trang báo do chi phí in ấn gia tăng.
Theo: Reuters
Vũ AnhTổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.