Khung năng lực số cho người học: Nhu cầu tất yếu trong thời đại số
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, đến thương mại và giải trí, việc trang bị cho người học các kỹ năng số đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Trước hết, khung năng lực số hỗ trợ người học thích nghi với môi trường học tập và làm việc thay đổi nhanh chóng. Với sự phong phú của thông tin trên Internet, người học cần kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và xử lý thông tin. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, họ còn cần biết cách sáng tạo nội dung, hợp tác và giao tiếp hiệu quả trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, an toàn số là một yếu tố không thể bỏ qua. Trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa về an ninh mạng, người học cần được trang bị kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân và nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn. Khung năng lực số sẽ giúp họ hình thành thói quen sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, tự bảo vệ bản thân và tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Ngoài ra, khung năng lực số khuyến khích khả năng sáng tạo và tư duy giải quyết vấn đề. Khi công nghệ ngày càng thay đổi nhanh chóng, người học cần có khả năng linh hoạt, tư duy phản biện và tìm ra cách giải quyết sáng tạo cho các thử thách.

Sinh viên được học cách trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, thông qua năng lực sáng tạo nội dung số
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng Khung năng lực số cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng số trong giáo dục và chuẩn bị cho một lực lượng lao động phù hợp với kỷ nguyên số.
Châu Âu – Khung năng lực số DigComp: Khung DigComp (Digital Competence Framework) của Liên minh châu Âu là một trong những khung năng lực số tiên phong và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay. DigComp phân chia kỹ năng số thành 5 lĩnh vực: thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác, tạo nội dung, an toàn số và giải quyết vấn đề. Khung này cung cấp mức độ chi tiết từ cơ bản đến nâng cao, giúp người học và các nhà giáo dục hiểu rõ những kỹ năng số cần thiết ở từng cấp độ phát triển.

Người học cần có kỹ năng bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số
Anh – Khung năng lực số của Jisc, Jisc là tổ chức cung cấp các hướng dẫn về năng lực số cho các tổ chức giáo dục và đào tạo tại Anh. Khung năng lực số của Jisc bao gồm 6 lĩnh vực: Năng lực số căn bản, thông tin, giao tiếp, tạo nội dung, học tập và phát triển và an toàn số. Được thiết kế để áp dụng linh hoạt cho sinh viên, giáo viên và nhân viên, khung của Jisc hỗ trợ phát triển kỹ năng số trong cả học tập và công việc.
Úc – Khung năng lực số cho người học của Bộ Giáo dục Úc tập trung vào việc phát triển kỹ năng số cho học sinh từ tiểu học đến trung học. Khung này được chia thành các nhóm năng lực như: Quản lý thông tin, Sử dụng công nghệ an toàn, tạo và chia sẻ nội dung số và sử dụng công cụ số để giải quyết vấn đề. Đây là nền tảng để đưa kỹ năng số vào chương trình giảng dạy và tạo sự chuẩn bị cho học sinh tiếp cận với môi trường số trong tương lai.

Qua các ứng dụng trong giáo dục có sử dụng trí tuệ nhân tạo, người học có thể cảm thấy việc học trở nên thú vị hơn.
Singapore – Khung năng lực ICT của Bộ Giáo dục Singapore nhằm mục đích phát triển kỹ năng số cho học sinh, từ đó giúp họ học tập, sáng tạo và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Khung này tập trung vào các kỹ năng chính: Đọc hiểu và sử dụng thông tin, tạo và chia sẻ nội dung, giao tiếp và cộng tác và an toàn số. Các kỹ năng ICT của Singapore được tích hợp vào tất cả các cấp học nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng cho môi trường làm việc số sau này.
Hoa Kỳ – Khung ISTE (International Society for Technology in Education) được công nhận và áp dụng rộng rãi ở Mỹ để hướng dẫn các kỹ năng số cho học sinh. Khung này bao gồm các lĩnh vực như: học tập độc lập, tạo nội dung số, giao tiếp, an toàn và đạo đức số và giải quyết vấn đề. Khung ISTE không chỉ dành cho học sinh mà còn có các tiêu chuẩn riêng cho giáo viên và quản lý, nhằm đảm bảo rằng tất cả các đối tượng trong hệ thống giáo dục đều được trang bị kỹ năng số phù hợp.

Khung năng lực số cho sinh viên đầu tiên tại Việt Nam do nhóm chuyên gia của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố năm 2022.
Tại Việt Nam, theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học, bậc học. Theo Dự thảo, khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực (Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh) với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia. Trong mỗi miền năng lực, Dự thảo đưa ra bản mô tả chi tiết các các năng lực thành phần cụ thể và các biểu hiện từng cấp độ từ cơ bản – trung cấp – nâng cao – chuyên sâu (mỗi cấp độ gồm 2 bậc).
Châu Nguyên - Nhật Quang
Với tốc độ phát triển của công nghệ, nhân lực biết vận dụng AI vào công việc đang trở thành “vàng ròng” trong thị trường lao động Việt Nam. Những người biết vận dụng AI vào công việc, họ không chỉ chứng minh được giá trị của mình mà còn mở ra một tương lai đầy tiềm năng.