Kỉ niệm đại thắng mùa Xuân năm 1975: “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du một ca khúc vang mãi!
Trong không khí đổi mới hôm nay, mỗi khi ca khúc "Nổi lửa lên em" của nhạc sĩ Huy Du được cất lên với âm hưởng âm nhạc dân gian, giai điệu trữ tình, lãng mạn ngọt ngào, sâu lắng trong ta như trở về những kỉ niệm đẹp của một thời tiền chiến đã qua.
Để có một Tổ quốc Việt Nam như ngày nay, dân tộc ta đã đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ… Trong đó, hình ảnh em gái nuôi quân được thể hiện ở thơ Giang Lam, nhạc của Huy Du với ca khúc "Nổi lửa lên em" là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương, một tình yêu thương trong sáng với non sông Tổ quốc.
Vào khoảng những năm 65-67 của thế kỉ XX, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng gay go, ác liệt. Tại các khu rừng của miền Nam nói chung và miền Tây Quảng Trị nói riêng là những nơi đóng quân của bộ đội ta lúc bấy giờ. Lực lượng của ta tuy thiếu thốn nhiều về trang thiết bị nhưng rất giàu dũng khí. Chỉ một bếp lửa nhỏ ban đêm hay một nắm rau rừng cùng với sự ưu ái của thiên nhiên đã đưa ánh trăng vào nơi chiến trận, cũng đủ sưởi ấm lòng chiến sĩ, càng tăng thêm sức mạnh cho các anh trên đường đi chiến dịch để tiêu diệt quân thù.
Ôi ánh trăng! Cũng là ánh trăng ấy nếu không có chiến tranh thì nhân vật em gái nuôi quân sẽ được hưởng ánh trăng vằng vặc và sự ngọt ngào của tình yêu nơi quê hương có lũy tre, bến nước. Nhưng cũng vì chiến tranh mà em đã xung phong ra trận và ánh trăng nơi rừng thiêng nước độc đã góp phần cùng em nhóm lên bếp lửa hồng, bếp lửa của tình yêu và tình yêu Tổ quốc: "Trăng đã dậy rồi, khơi bếp hồng lên nhé/ Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi/ Nổi lửa lên em đánh Mĩ đêm ngày/ Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận/ Có chị Hằng soi sáng canh thâu…".
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, nhưng những kí ức về Trường Sơn nơi thắp sáng niềm tin vì miền Nam ruột thịt, nơi chứa đựng nhiều gian khổ hi sinh, nhưng cũng là nơi đẹp nhất về tình yêu, tình người, nơi có núi non hiểm trở, có dòng suối chảy róc rách, tạo nên một khung cảnh lãng mạn của trời mây non nước. Từ gian khổ hi sinh xen lẫn với cảnh trời mây non nước mà các thi nhân, nhạc sĩ đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ.
Trong lịch sử của bất cứ cuộc chiến tranh nào, hậu phương, hậu cần, các chiến sĩ nuôi quân là một trong những lực lượng quan trọng, lực lượng hậu cần của ta đã có mặt khắp mọi nơi trên trận tuyến đánh quân thù: "Ơi … miền Nam ơi có đêm nào ngủ được/ Lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình/ Yêu đất nước trải đường vô trong nớ/ Đây tuyến hậu cần ta bủa lưới khắp nơi nơi…".
Trong thực tế khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, quân đội ta đã lớn mạnh rất nhiều, trang bị kĩ thuật hiện đại với lối đánh hiệp đồng binh chủng đã nhiều phen làm cho kẻ thù khiếp sợ. Tuy thế, lời của ca khúc này tác giả lại viết: "Ơi… Vũ khí ta mang đâu có là tên lửa/ Chỉ bếp than hồng này ủ kín hơi cơm/ Bát nước chè xanh nhẹ gối bước dồn thêm sức mạnh trên đường đi đánh Mĩ…". Viết đến đây, lòng tôi lại dâng trào một tình thương trân trọng với em gái nuôi quân, nhạc sĩ Huy Du, nhà thơ Giang Lam và các thế hệ các bác, các anh, các chị đã một thời cầm súng lặn lội nơi chiến trường khốc liệt. Chỉ cần một nụ cười của một cô gái, một bát canh lá rau tàu bay rừng, hay một sự quan tâm rất nhỏ của em gái nuôi quân cũng đủ sức mạnh và tình yêu thương cho cả sư đoàn vào trận đánh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "… Lửa bếp than hồng mang tình em rực cháy … cháy thêm nhanh…".
Nếu tính từ năm 1954 đến năm 1975, hai mươi mốt năm, nhân dân miền Nam phải sống trong cảnh đau thương chia cắt, miền Bắc là hậu phương vững chắc, nơi chi viện vật chất và tinh thần cho đồng bào miền Nam. Sức sống mãnh liệt trong trái tim của tuổi trẻ lúc bấy giờ là ngọn lửa hừng hực cháy, thắp sáng niềm tin cho đồng bào miền Nam trong những đêm dài gian khổ: "…Ơi… miền Nam ơi những đêm chẳng đuốc đèn/ Lửa trong tim rừng rực sáng trên đường/ Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước/ Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm khắp nơi nơi… ".
Khi bài thơ được phổ nhạc, cho đến tám năm sau đất nước mới thống nhất, giai đoạn đó nếu nói tương quan về lực lượng thì bộ đội ta đang yếu hơn địch kể cả về số lượng và vũ khí, nhưng điều gì đã thôi thúc tác giả có một cảm xúc mãnh liệt: Đó là tình đoàn kết, là tình yêu thương lẫn nhau trong đó có hình ảnh của em gái nuôi quân với bát nước chè xanh hay nắm gạo rang đậm đà nơi chiến trận, tất cả đã trở thành một chân lí miền Nam sẽ được giải phóng, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà.
Câu cuối của đoạn một, tác giả viết: "…Lửa bếp than hồng mang tình em rực cháy… cháy thêm nhanh…". Kết của đoạn hai, tác giả lại viết: "Lửa cháy lên rồi mang tình em rực sáng sáng quê hương". Toàn bộ bản nhạc được dồn nén vào câu cuối của ca khúc tạo thành cao trào như phát pháo báo hiệu ngày thắng lợi. Và lửa ở đây là bếp lửa thật, nhưng cũng là lửa của trái tim, của tình yêu, tình yêu Tổ quốc rực sáng để giải phóng quê hương.
Tôi còn nhớ năm 1972 trên đường hành quân vào Quảng Trị, lúc bấy giờ một đại đội chỉ có một chiếc máy thu thanh Orionton của Hungary, tôi là chiến sĩ liên lạc của đại đội, đồng chí chính trị viên giao cho tôi mang dọc đường hành quân, chúng tôi đã được nghe chị Bích Liên hát ca khúc: "Nổi lửa lên em", trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng hát nghe tình cảm quá...! Cộng với nhịp của bài hát rất truyền cảm, tất cả như có một sức sống và tình yêu mãnh liệt để chúng tôi bước nhanh vào trận đánh tiêu diệt quân thù.
Hôm nay, mỗi lần nghe ca sĩ Anh Thơ hát trên sóng truyền hình bài: "Nổi lửa lên em" với kĩ thuật điêu luyện, lòng tôi lại cảm kích, trào dâng một nỗi niềm khó tả…! Nhất là câu: "Nhớ nắm gạo rang đường ra chiến trận, ôi tất cả tâm tình đi nhớ mãi". Câu này chị Anh Thơ hát chậm lại không theo phách nhịp của bản nhạc như một sáng tạo mới..., càng làm cho lòng chúng ta nhớ thương da diết nhân vật có thật trong ca khúc của nhạc sĩ Huy Du.
Năm 1967, cũng như biết bao lần xông pha nơi chiến trận, lần đó nhạc sĩ Huy Du với những cây bút nổi tiếng như: Xuân Sách, Đào Hồng Cẩm… cùng với bộ đội ta vào chiến dịch đường 9 Khe Sanh. Các chiến sĩ văn nghệ sĩ cùng ở với các đồng chí bộ đội giữa rừng sâu phía Tây Quảng Trị. Ở chốn rừng xanh hiểm trở, đơn vị bộ đội có một em gái nuôi quân mới mười tám tuổi, em có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài, dáng người mảnh mai, em tên là Sạn quê ở Hà Tĩnh. Em là chiến sĩ nuôi quân, ngoài việc miệt mài chăm sóc các chiến sĩ, em còn dành riêng cho nhóm văn nghệ sĩ những quan tâm đặc biệt, mỗi lần các anh lên đường đi thực tế, em đã chuẩn bị cho các anh những nắm cơm, bi đông nước hay gói gạo rang để phòng khi đói dọc đường.
Mỗi lần xong nhiệm vụ trở về đơn vị, em lại cho các anh thưởng thức món rau hiếm có nơi núi rừng Trường Sơn. Những kỉ niệm vô giá đó, nhạc sĩ Huy Du đã ôm ấp trong trái tim mình. Để khi trở ra miền Bắc, ông đã lấy hình tượng em Sạn để thành công ca khúc: "Nổi lửa lên em". Năm 1971, nhạc sĩ Huy Du lại được cấp trên cử vào Nam, tuy đường đi cách trở, nguy hiểm nhưng ông đã quyết tìm bằng được địa điểm đóng quân nơi có em gái nuôi quân ngày trước để tặng bài hát: "Nổi lửa lên em" nhưng đến nơi ông vô cùng đau xót khi nghe tin em đã hi sinh…! Ông đã lặng người đi không nói nên lời…! Trong bài thơ "Gửi em cô thanh niên xung phong" nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết: "…Ơi em gái chưa một lần rõ mặt/ Có lẽ nào anh lại mê em".
Cùng chung một nỗi niềm thương nhớ, nhưng hai hình ảnh lại khác nhau, một bên là thông qua giọng nói và ý chí chiến đấu của tuổi trẻ để nhà thơ hoàn thành một tác phẩm, một bên là thông qua một em gái nuôi quân cụ thể, một nhân cách cụ thể, một cô gái đẹp cùng với đạo đức cách mạng mà nhạc sĩ Huy Du đã đau đáu nỗi nhớ cộng với sự biết ơn vô hạn để thai nghén và sinh ra đứa con tinh thần của ông. Đó là ca khúc "Nổi lửa lên em".
Nếu ở bài thơ "Gửi em cô thanh niên xung phong", Phạm Tiến Duật đã kết thúc bài thơ với ba câu: "… Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim/ Tên em đã thành tên chung anh gọi/ Em là cô thanh niên xung phong" thì ở ca khúc "Nổi lửa lên em", Huy Du đã sử dụng giai điệu độc đáo để tạo thành những dòng nhạc mang đậm chất sử thi, tính sôi nổi và lãng mạn cách mạng của tuổi trẻ thời chống Mĩ. Và cũng là món quà đầy ân nghĩa đối với thế hệ đã ngã xuống để viết nên bản anh hùng ca kì diệu cho dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nhạc sĩ Huy Du đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những ca khúc mang "hơi thở" của cuộc chiến, nhưng không bao giờ mất đi âm hưởng ngọt ngào của tình yêu như: "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Đường chúng ta đi", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát"...
Và ca khúc "Nổi lửa lên em" của ông mãi mãi là những kỉ niệm đẹp trong tâm hồn của những ai đã từng sống nơi núi rừng Trường Sơn gian khổ, ca khúc đó sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam./.
Dương Chí SỹNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".