Kỉ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam nhớ hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam"

Xã hội
11:42 AM 17/12/2021

Mấy chục năm rồi, Tổ quốc Việt Nam im tiếng súng, đất nước bước sang thời kì đổi mới, khắp mọi nẻo đường từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau đang náo nức hưởng những mùa xuân hạnh phúc. Để có được những thành quả ấy, các thế hệ người Việt Nam, nhất là những người yêu Văn học lại nhớ đến nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân với bài thơ: "Dáng đứng Việt Nam". Bài thơ là khúc tưởng niệm về một thời kỳ oai hùng, về những con người oai hùng mà tên các anh đã hòa vào tên đất nước.

"Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mủa xuân"

Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, ông sinh ngày 05 tháng 6 năm 1940 trong một gia đình giàu truyền thống Văn học, quê ở Bến Tre. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam, sau đó là trường cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Tốt nghiệp phổ thông Ca Lê Hiến thi đậu vào khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một sinh viên có tố chất thông minh, thiên về Văn học sử và có tâm hồn thi sĩ, Ca Lê Hiến học giỏi và làm thơ rất sớm. 

Tốt nghiệp Đại học, ông được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng Tổ quốc đang còn bóng giặc, quê hương ông đang bị giày xéo dưới gót giày đinh của Mĩ Ngụy, cuối năm 1964 ông trở về miền Nam với lý tưởng cao đẹp, là một văn nghệ sĩ, chiến sĩ để cùng với quê hương và nhân dân miền Nam đánh đuổi chế độ Mĩ Ngụy, đưa lại hạnh phúc cho đồng bào. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân miền Nam đã làm rung chuyển, lung lay các cơ quan đầu não của Mĩ Ngụy. 

Kỉ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam nhớ hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" - Ảnh 1.

Trận đánh của quân giải phóng vào sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968 (ảnh nguồn Internet)

Trong một lần nhà thơ Lê Anh Xuân đi thực tế tại chiến trường sân bay Tân Sơn Nhất, ông tận mắt chứng kiến một chiến sĩ quân giải phóng đã anh dũng hi sinh, khi bị trúng đạn, người chiến sĩ ấy đã gượng dậy, tỳ súng lên xác trực thăng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh đã chết trong tư thế đứng bắn. Cảm xúc, thương tiếc, kính phục sự hi sinh của người chiến sĩ, tất cả dâng trào lên ngòi bút của nhà thơ rồi ông đã thốt lên: 

"Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn"

Là một thi sĩ, chiến sĩ cầm bút, không một thi nhân nào trong trái tim mình không có những giây phút tình ca, lãng mạn nhưng khi tận mắt nhìn thấy tư thế của người chiến sĩ bị thương rồi vẫn gượng dậy đứng bắn. Ông đã đọc được chí khí trong trái tim của người chiến sĩ lúc này: "Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng"

Với tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ và nhân văn, ông dồn tất cả cho người chiến sĩ giải phóng quân. Trong cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại, từ anh vệ quốc đoàn, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, hay anh giải phóng quân từ lúc quân đội ta đang trong trứng nước cho đến giai đoạn mà cuộc kháng chiến ở miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, nếu nói về tương quan lực lượng, vũ khí, trang bị kĩ thuật quân sự và số lượng… thì kẻ địch mạnh hơn ta gấp bội nhưng sức mạnh của ta là cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ nhân dân mà ra, chiến đấu và chiến thắng vì lý tưởng cao đẹp: "Đối diện với quân đội Mĩ là cả một dân tộc vững chắc như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song không hề biết sợ trước kẻ thù nào" (Báo Pháp "Thế giới"). 

Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra (McNamara 1916 – 2009) đã phải thốt lên rằng: "Những cuộc ném bom hủy diệt của Mĩ đã không thể nào tiêu diệt được ý chí của cả một dân tộc". Chính ý chí đó, đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ: 

"Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn

Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công"

Trong trận chiến đấu quyết liệt đó, địch và ta giành nhau từng tấc đất, từng ngôi nhà, từng ngõ phố, Lê Anh Xuân không thể biết nổi người chiến sĩ giải phóng quân dũng cảm ấy tên là gì, quê hương anh ở đâu mà chỉ biết yêu thương, tôn kính và quý trọng. Ôi! Anh giải phóng quân là hình tượng của cả một miền Nam thành đồng Tổ quốc, của quê hương Đồng Khởi Bến Tre, với đôi dép cao su mòn gót lăn lộn khắp các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ, với sự giản dị khiêm nhường của dân tộc Việt Nam. Cái triết lý sức mạnh của một dân tộc mà Lê Anh Xuân đã dùng hình ảnh tương phản ở đây: 

"Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mĩ

Mà vẫn một màu bình dị sáng trong"

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những vần thơ của Tố Hữu vẫn chân chất như hai tâm hồn đồng điệu khi nghĩ về người chiến sĩ giải phóng quân: 

"Kính chào anh con người đẹp nhất

Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất

Sống hiên ngang bất khuất trên đời? 

Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi

Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mĩ

Không tự ngắm mình anh chẳng hay đâu hỡi chàng dũng sĩ"

Tôi muốn xin phép độc giả nhắc lại một lần nữa, trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, biết bao những chàng trai, những cô gái đã anh dũng hi sinh tuổi thanh xuân của mình giữa mười tám đôi mươi, cái tuổi đầy sinh khí nhất của đời người và cũng là thời điểm mà tình yêu chớm nở và mãnh liệt nhất, những mơ ước về nghề nghiệp, về tình yêu, tương lai hay tổ ấm gia đình đều có trong tâm tưởng của mỗi người thanh niên, bởi vì họ cũng là người, là xương, là thịt và họ có quyền sống, quyền được hưởng những gì cao quý mà thượng đế ban cho họ. Nhưng mỗi một dân tộc đều có quyền tự quyết, hạnh phúc lúc này không phải là thứ hạnh phúc để làm nô lệ dưới gót giày của lũ thực dân kiểu mới ở miền Nam. 

Vì hạnh phúc của dân tộc mà thế hệ trẻ lúc bấy giờ phải gác lại tất cả không để cho mình một chút riêng tư, danh vọng, của cải và tình yêu để làm nên một Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và vĩ đại, Tổ quốc Việt Nam của thế kỉ hai mươi: 

"Anh chẳng để gì lại cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ"

Hình ảnh anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất mà Lê Anh Xuân cảm phục vẽ thành bức tranh đáng kính với giá trị thiêng liêng ở trên là dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ. Bởi thế kỉ hai mươi là thế kỉ mà đất nước Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé đã dũng cảm chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh đó là Pháp và Mĩ: 

"Anh là chiến sĩ giải phóng quân

Tên anh đã thành tên Đất nước"

Kết thúc bài thơ, tác giả muốn dồn hết tâm thức của mình để nâng giá trị hiện thực của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất và hình ảnh anh giải phóng quân là đại diện cho hàng triệu triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam mãi mãi những mùa xuân: 

"Ơi anh giải phóng quân

Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân"

Bài thơ "Dáng đứng Viêt Nam" của Lê Anh Xuân giàu tính nhạc, là khúc tráng ca giàu tình cảm, giàu tính lãng mạn cách mạng. Năm 1970, nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc cho bài thơ. Từ đó, bài thơ trở thành một ca khúc được bạn bè trên thế giới, các tầng lớp của dân tộc Việt Nam yêu quý, trân trọng, cũng như thân thế, sự nghiệp và mơ ước của Lê Anh Xuân. Bài thơ được Lê Anh Xuân viết vào tháng 3 năm 1968 thì đến ngày 21 tháng 5 năm 1968, ông hi sinh ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An khi tuổi đời vừa tròn hai tám. 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đúng như ước mơ cao đẹp của Lê Anh Xuân toàn bộ miền Nam được giải phóng, dân tộc Việt Nam đã nở rộ một mùa xuân mới. Đó là độc lập tự do và vĩnh viễn tươi đẹp những mùa xuân: 

"Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân"

Trong suốt quảng thời gian học tập và chiến đấu của ông, nhất là thời gian ở chiến trường, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam ba tập thơ, một trường ca, một tập văn xuôi nhưng "Dáng đứng Việt Nam" đã đi vào huyền thoại của lịch sử dân tộc Việt Nam. Lê Anh Xuân và "Dáng đứng Việt Nam" còn sống mãi trong lòng dân tộc, nhất là những độc giả, khán giả, thính giả yêu Văn học, nghệ thuật và âm nhạc.

Chuẩn bị chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), với tấm lòng thành kính, tôi xin gửi tới các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong lời biết ơn sâu sắc nhất, những người đã xả thân vì sự sống còn của dân tộc và các anh chị là: "...dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ"./.

Tháng 12- 2021

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.