Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2021

Đầu tư và Tiếp thị
02:22 PM 02/03/2021

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào cuối tháng 1/2021 đã tác động khá lớn đến tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác chống dịch của Việt Nam đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhờ đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều cơ hội hồi phục và tạo đà để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra cho năm 2021.

Nhiều kịch bản tăng trưởng

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, kịch bản tăng thấp nhất còn thấp hơn cả tốc độ GDP 2,91% của năm 2020. Nếu kịch bản này xảy ra thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ "rơi" vào mô hình chữ U (năm 2018, 2019 tăng trên 7%, năm 2020 "rơi" xuống "đáy" 2,91%, năm 2021 lại tiếp tục nằm ở "đáy"). Kịch bản cao vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng GDP theo Nghị quyết của Quốc hội (6,0%) và còn thấp hơn nữa so với tốc độ tăng theo quyết tâm của Chính phủ (6,5%).

photo-1614668254965

Nhiều kịch bản được đưa đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021. Ảnh Phạm Hùng

Theo nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nền kinh tế Việt Nam cũng có khả năng xảy ra 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của cả năm 2020. Hai kịch bản trung bình và cao, nhất là kịch bản cao lại quá lạc quan, không những cao hơn kịch bản cao của VEPR, mà còn cao hơn cả dự báo của IMF, WB, cao hơn cả mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ.

Viện Kinh tế Việt Nam cũng đưa ra 3 kịch bản, nhiều hơn và khả quan hơn so với VEPR và đều cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020. Hai kịch bản tăng trưởng của Viện Kinh tế Việt Nam cùng xuất phát từ yếu tố dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ khi dịch này được kiểm soát và phát huy các lợi thế (đà cao lên của tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2020, kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội,…), thì có thể đạt được mức tăng trưởng cao theo kịch bản cao.

Cơ hội và thách thức

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành cú hích quan trọng, là trụ cột nền tảng để thúc đẩy quá trình phục hồi "vết thương" do dịch bệnh.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Điều quan trọng là việc kiểm soát được dịch bệnh, có như vậy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mới có dấu hiệu lạc quan. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, năng suất tăng trưởng nhanh.

"Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, đầu tư của khu vực Nhà nước tăng rất cao, đến 14,5%, điều này là tất yếu và phù hợp để phục hồi tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép. Nhưng về lâu dài phải có những rà soát về thể chế chính sách để khuyến khích và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nhiều hơn; giảm thiểu những khó khăn và các rào cản để thu hút nhiều hơn FDI,  đặc biệt là dòng FDI chất lượng, gắn với chuyển giao công nghệ cao, thân thiện với môi trường, FDI thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo một số chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức, bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

photo-1614668257597

Cần những chính sách quyết liệt để con người và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội để phát triển. Ảnh minh họa

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo thuận lợi, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi nào có được cạnh tranh bình đẳng và tự do kinh doanh, khi đó khoa học công nghệ sẽ là công cụ và khoa học công nghệ sẽ phát triển.

Tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ bằng nhiều việc phải làm, trong đó là phải cải cách tư pháp và tòa án. Hiện doanh nghiệp sợ lớn vì họ không được bảo vệ về tài sản và quyền tự do kinh doanh bởi nếu càng lớn thì rủi ro cũng càng nhiều.

Làm tốt những điều đó một cách quyết liệt chính là bước đà giúp con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để vươn lên và cùng xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.