Kịch bản nào cho ngành hàng không khi COVID-19 "trở lại"?
Việc dịch bệnh COVID-19 bất ngờ "trở lại" khiến nhiều lĩnh vực kinh tế bất ngờ bị ngưng trệ. Đây tiếp tục là cú sốc lớn với ngành hàng không khi đúng mùa cao điểm đón khách đã tới.
Việc bùng phát dịch trở lại tại Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Gia Lai và một số tỉnh thành khác khiến việc ngành hàng không đang nhen nhóm hi vọng hồi phục lại trở nên rất xấu, đặc biệt đúng vào dịp cao điểm Tết. Điều này khiến doanh thu các hãng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cho biết: Hiện tại chưa thể thống kê được con số thiệt hại nhưng số lượng vé bị hành khách huỷ tại một số đường bay là không nhỏ. COVID-19 "trở lại" tác động lớn tới tâm lý người dân và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hãng. Tại một số khu vực bị giãn cách, nhiều người dân các tỉnh cũng không thể về quê ăn Tết nên số lượng vé đã đặt đều bị huỷ.
Bởi vậy, mới đây, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi vé, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách), kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé) đối với hành khách đã mua vé nhưng không thực hiện được chuyến bay do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương triển khai cụ thể về quy trình, thủ tục đổi vé, hoàn vé nêu trên và kịp thời thông tin rộng rãi cho hành khách qua hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, văn phòng, đại lý bán vé của hãng.
Về chính sách chăm sóc khách hàng của các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hành khách mua vé bay Bamboo Airways được thay đổi miễn phí, không phụ thu chênh lệch sang chuyến bay mới cách giờ khởi hành ban đầu không quá 72 giờ (hoặc chuyến bay gần nhất còn chỗ nếu trong vòng 72 giờ không có chuyến bay nào); thay đổi miễn phí, phụ thu chênh lệch nếu có trong trường hợp đổi sang chuyến bay mới cách giờ khởi hành ban đầu vượt quá 72 giờ; được phép đổi sang chặng tương đương.
Hãng hoàn bảo lưu, hoàn vé miễn phí đối với các trường hợp chặng bay bị ảnh hưởng và chặng bay khác trong cùng mã đặt chỗ; chặng liền kề khác mã đặt chỗ khởi hành trong vòng 72 giờ so với giờ khởi hành của chuyến bay bị ảnh hưởng.
Với Vietnam Airlines, hành khách đã đặt vé những đường bay bị ảnh hưởng có thể hoàn vé ra “Travel Voucher” với ưu đãi tặng thêm 10% giá của vé.
Chính sách này áp dụng cho vé nội địa có chuyến bay khởi hành từ ngày 29/1 vừa qua, đối với cả trường hợp khách yêu cầu hoàn vé tự nguyện và trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm kéo dài, khởi hành sớm do dịch COVID-19 hoặc yêu cầu của cơ quan chức năng.
Không chỉ được miễn lệ phí hoàn vé khi đổi sang voucher, hành khách còn có thể sử dụng voucher để đổi ra các sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Airlines (vé máy bay, hành lý, chọn ghế ngồi, nâng hạng…) có tổng giá trị tương đương giá trị voucher. “Travel Voucher” có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm từ ngày xuất.
Đặc biệt, chính sách đổi vé ra voucher này còn áp dụng cho cả khách mua vé không bao gồm điều kiện hoàn, hủy. Nếu không lựa chọn đổi vé theo hình thức trên, khách đã mua vé của Vietnam Airlines có thể yêu cầu hoàn vé và được miễn lệ phí, miễn điều kiện đổi vé cho hành khách có vé bay từ ngày 29/1 vừa qua mà chuyến bay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra, giá vé máy bay Tết Tân Sửu 2021 chính thức được niêm trên website của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Pacific Airlines vào dịp cao điểm Tết tiếp tục giảm sâu nhằm cạnh tranh.
Cụ thể, giá vé máy Tết Tân Sửu của hãng hàng không Pacific Airlines đang là hãng bay có giá vé rẻ nhất cho chặng bay Hà Nội – TP.HCM với giá vé khoảng 546.000 đồng (chưa bao gồm thuế phí). Giá vé chặng tương tự trên website Vietnam Airlines kỷ lục chỉ từ 2.900.000 đồng đến 8.000.000 cho từng hạng vé (chưa bao gồm thuế phí). Trong khi mức giá vé máy bay Tết của hãng hàng không Bamboo Airways giá chỉ từ 1.600.000 đồng - 3.800.000 đồng (chưa bao gồm thuế phí với 1 chiều bay). Giá vé máy bay Tết của Vietjet Air đang được niêm yết với giá 1.500.000 đồng – 3.600.000 đồng (chưa bao gồm thuế phí với chặng bay một chiều)...
Đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, ngành hàng không thể phục hồi ngay vào nửa cuối năm 2021, khi các vaccine được phê duyệt và sử dụng trên quy mô lớn.
Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021. Chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.
Theo SSI, lợi nhuận các hãng hàng không không có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021. Nhóm phân tích dự báo, hàng không vẫn sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách).
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành hàng không lại gặp nhiều bất lợi, trao đổi với Nhà báo & Công luận, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, qua khảo sát tại nhiều nước và ông thấy rằng chính phủ các nước này đều có nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không để vượt qua khó khăn bởi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng.
Điển hình như việc giãn, hoãn thuế hay giãn hoãn các nghĩa vụ trả nợ khác ví dụ như lãi ngân hàng. Giảm các loại chi phí cho ngành hàng không như phí thuê sân đỗ, phí môi trường trong xăng dầu. Trợ cấp trả lương cho người lao động và cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn thanh khoản.
Theo ông Lực, “giải cứu” ngành hàng không là việc làm cần thiết và phù hợp, bởi ngành này chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 với suy giảm lên tới 60% - 70% và thời gian phục hồi mất 2 - 3 năm.
Đặc biệt ngành hàng không cũng là một trong những ngành thiết yếu, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành nghề liên quan. Đây không đơn thuần chỉ là lĩnh vực vận tải mà còn giữ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng... Vì vậy, việc giữ vững ngành hàng không trước “cơn bão” COVID-19 là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Để tồn tại, các hãng hàng không đã triển khai hàng loạt giải pháp, như giảm nhân sự, bố trí lại việc làm, giảm thu nhập của cán bộ và nhân viên, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đàm phán đối tác giãn tiến độ thanh khoản, đẩy mạnh các chuyến bay giải cứu.
Cùng với đó, ngành du lịch đã tung ra các gói kích cầu để kích hoạt người dân đi lại bằng đường hàng không, các hãng có thêm nguồn thu dù giá vé trong các hãng đều giảm sâu để cạnh tranh.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ có tính tạm thời. Bởi chỉ khi đường bay quốc tế phục hồi mới đem lại doanh thu cao, bù đắp sự thiếu hụt của dòng tiền, trong khi đây là điều bất khả thi khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp được đề xuất để cứu ngành hàng không lúc này là Chính phủ cần xem xét "bơm tiền" trực tiếp cho các doanh nghiệp. Bởi về lâu dài, ngành hàng không vẫn được đánh giá là ngành đóng góp đáng kể vào GDP cả nước và sẽ sớm phục hồi, nhanh hoàn lại vốn.
Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ chia sẻ với Sài Gòn Giải Phóng, các hãng hàng không cần phải được hỗ trợ của Nhà nước một cách đồng bộ, từ các ưu đãi về chính sách đến việc “bơm tiền” với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, cần xem xét cơ chế cho phép các doanh nghiệp hàng không phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Điều này vừa giúp bổ sung dòng tiền thiếu hụt, đảm bảo đủ vốn để duy trì hoạt động, tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh bất ngờ trở lại Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần tiếp tục cùng nhau đưa ra những giải pháp thích hợp để vực dậy ngành hàng không vượt qua "giông bão".
Hoài Thương t/hCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.