Kích cầu nội địa để lấy lại đà tăng trưởng
Thị trường trong nước đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa đang là động lực cho DN phát triển thời kỳ hậu Covid-19.
Tuy nhiên, để khai thác thị trường này đòi hỏi các DN đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng hệ thống phân phối quốc gia.
Tiêu thụ nội địa lấy lại đà tăng trưởng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 (tháng thứ 2), nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, đạt 431.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp kết nối cung cầu tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm và khai thác thị trường nội địa hậu Covid -19. Ảnh: Lê Nam
Đại diện Bộ Công Thương cho biết lý do khiến doanh thu bán lẻ tăng mạnh là bởi nguồn cung hàng hóa dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Đồng tình với phân tích của Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ: Thời gian vừa qua nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thời kỳ hậu Covid-19, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa sau giai đoạn hết giãn cách xã hội do dịch Covid-19. “Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương đầu tiên triển khai chương trình kích cầu nội địa thông qua hàng loạt chương trình khuyến mại tập trung năm 2020” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết.
Liên kết kích cầu để tìm đầu ra
Theo các chuyên gia kinh tế, để lấy thị trường nội địa làm “đòn bẩy” giúp DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đòi hỏi bản thân các DN phải đẩy mạnh liên kết để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… qua đó thu hút người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều DN triển khai. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết: Thời gian qua, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị Big C của Tập đoàn Central Retail. Nhờ đó, hệ thống siêu thị Big C kết nối được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, tạo cơ hội để các DN sản xuất, hợp tác xã kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.
Người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền thông qua việc DN kết nối cung cầu hậu Covid-19. Ảnh: Lê Nam
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua Hapro đã tổ chức nhiều chương trình liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex.
“Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp” - ông Sơn phân tích.
Nói về hoạt động liên kết nội khối của DN, đại diện Công ty May 10 chia sẻ, đơn vị đã kết nối với nhiều DN trong nội khối, nội ngành để phát huy và tận dụng lợi thế của DN, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Thời gian tới, DN sẽ xúc tiến liên kết với các tập đoàn lớn như điện lực, than khoáng sản, hàng không, logistics để cung cấp các giải pháp và cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau qua đó cùng nhau đồng hành khai thác sức tiêu thụ của thị trường nội địa và gia tăng giá trị và doanh số cho các DN cùng ngành.
Nhằm kết nối cung cầu sau khi bỏ giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các tuần hàng nông sản của các địa phương, qua đó đã kết nối được các nhà sản xuất, phân phối lại với nhau, đặc biệt là giới thiệu bán sản phẩm của các địa phương tới người dân Hà Nội.
Thực tế cho thấy, không chỉ DN Việt Nam mới đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu qua đó khai thác thị trường nội địa mà các DN nước ngoài cũng mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” sau dịch Covid-19 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Dong Chul và 50 DN Hàn Quốc tham dự hội nghị mong muốn xây dựng được mối liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ với các DN Việt Nam, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam tới thị trường Hàn Quốc và thế giới.
Việc các DN trong nước cũng như các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ hàng hóa thời kỳ “hậu” Covid-19 là hành động thiết thực tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để DN sản xuất kinh doanh, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cần những chính sách tổng thể
Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp DN đứng vững trong khó khăn sau dịch Covid-19, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế", nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ DN mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Nhiều DN bán lẻ cho rằng, Việt Nam với gần 100 triệu dân là thị trường rộng lớn cho DN khai thác, tiêu thụ hàng hóa. Nhưng hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ, thị trường nông thôn còn trống vắng hệ thống bán lẻ hiện đại. Kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa, song cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, doanh số những năm gần đây bị suy giảm 20 - 30%.
Nói về việc Nhà nước hỗ trợ DN mở rộng hệ thống bán lẻ qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng: Muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, các dịch vụ logistics.
Đồng thời, thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cũng kiến nghị: Thời gian tới, những thủ tục hành chính thành lập DN sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Cho rằng giá thuê mặt bằng kinh doanh lớn đẩy giá hàng hóa lên cao, hạn chế sức mua, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam bà Vũ Thị Hậu khuyến nghị: Chính phủ có chính sách giảm thuế cho chủ đầu tư có mặt bằng cho thuê, qua đó giúp chủ đầu tư có thể giảm giá thuê cho DN bán lẻ; miễn, giảm chi phí cho thuê mặt bằng trong khu công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ DN sản xuất. Đồng thời, miễn giảm thuế nhập khẩu hoặc hoàn thuế cho các nguyên vật liệu tiêu dùng, bù đắp thiếu hụt trong thời kỳ Covid-19; hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho DN tiếp cận phương thức mới trong kinh doanh; hỗ trợ các nhà bán lẻ để kích cầu tiêu dùng trong nước…
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng DN cũng phải chủ động nắm bắt, chuyển hướng kinh doanh, đặc biệt là chuyển kinh doanh số trên các nền tảng thương mại điện tử.
Chia sẻ về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến cho nền kinh tế hậu Covid-19, Giám đốc Điều hành Fado miền Bắc Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: DN Việt Nam đã bán nhiều sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài, nhưng không có bóng dáng trên các nền tảng trong nước. Tác động từ Covid-19 có thể tạo cơ hội cho DN phát triển kênh bán hàng tại thị trường nội địa thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong nước.
Còn đối với DN chưa từng ứng dụng thương mại điện tử, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, dù chậm nhưng DN vẫn cần phải bắt đầu ngay từ chuẩn bị nhân lực, hạ tầng..., nếu không sẽ không thể bắt kịp xu hướng mới - tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, hình thành sau thời gian ứng phó với dịch Covid-19.
Như vậy để khai thác thị trường nội địa thời kỳ hậu Covid-19, ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước, bộ ngành và các địa phương thì DN bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh; từ đó tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với DN nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa Việt Nam đang lấy lại đà phát triển, do các cơ quan quản lý vào cuộc hỗ trợ DN tái sản xuất sau dịch Covid-19, cùng với đó kinh tế Việt Nam những năm qua phát triển mạnh mẽ, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày).
Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, điều này đã kích thích bán lẻ hàng hóa tại thị trường nội địa lấy lại đà tăng trưởng sau dịch Covid-19.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Mấu chốt cần phải cứu các doanh nghiệp
Đối với việc kích cầu thị trường nội địa, khó khăn lớn nhất của các DN vào thời điểm này là thị trường tiêu thụ. Với gần 100 triệu dân chỉ cần tổ chức tốt chắc chắn sẽ giúp DN vượt qua sóng gió.
Trước mắt, cần phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam để tiếp sức cho DN.
Tuy nhiên, mấu chốt vẫn phải cứu được các DN, bởi DN sống được thì người lao động mới có công ăn việc làm, mới có thu nhập để tăng cầu tiêu dùng.
Trước mắt, việc cắt giảm thủ tục, chi phí cho DN; giảm thuế suất, khơi thông nguồn vốn tín dụng, hạ lãi suất cần phải làm ngay bởi không cứu kịp để DN đóng cửa thì hậu quả sẽ rất nặng nề chứ đừng nói đến chuyện kích cầu nội địa.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú: Khai thác tối đa thị trường nội địa
Trong khi dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp việc Việt Nam kiểm soát tốt, đã tăng tính hấp dẫn cho thị trường.
Do đó, các DN trong nước cần tận dụng cơ hội này, khai thác tối đa thị trường nội địa, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trước các đối thủ quốc tế.
Các hoạt động kết nối cung cầu góp phần đánh thức thị trường đã trầm lắng trong thời gian qua và sẽ là biện pháp hiệu quả nếu việc tổ chức được diễn ra liên tục thường xuyên và trên phạm vi rộng khắp cả nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh: Tổ chức kết nối giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các DN đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường.
Để thúc đẩy các hoạt động về thương mại nội khối, xúc tiến các hoạt động và kêu gọi đầu tư mới đầu tư vào Việt Nam thì việc tổ chức kết nối các hoạt động giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho cho các DN từ quý I/2020 là cần thiết.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.