Kích cầu tiêu dùng để cho vay nhỏ lẻ đột phá
Cho vay nhỏ lẻ dù tốn kém chi phí, song biên độ sinh lời cao, là lĩnh vực được tất cả ngân hàng chú trọng. Dù thủ tục cho vay đã thông thoáng hơn, song để cho vay nhỏ lẻ thực sự đột phá, rất cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây. Trong đó có quy định các khoản vay nhỏ lẻ sẽ không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn. Khoản vay có giá trị nhỏ là khoản vay không vượt quá 100 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, quy định này phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế “tín dụng đen”. Với các ngân hàng có hàng trăm ngàn khoản vay nhỏ lẻ, quy định trên cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành.
Cho vay nhỏ lẻ tuy tốn kém chi phí, song biên độ sinh lời cao, đối với ngành ngân hàng. Song để cho vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng, kinh doanh thực sự đột phá, rất cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.
Do đó, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị, các ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ xem xét chỉnh sửa về mặt quy chế, cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu dùng khó tăng đột biến nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, bởi mảng cho vay mua nhà hiện nay không nhiều khả quan.
Cụ thể, theo các chuyên gia, dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm tới 3-5% so với đầu năm 2023, nhưng dư nợ cho vay mua nhà vẫn sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 do giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; nguồn cung về nhà giảm so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Và quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có sự thay đổi về pháp lý và hỗ trợ từ các chính sách để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 gần đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho rằng, kích cầu tiêu dùng nội địa hiện nay tuy được nhắc đến nhiều, song chưa triển khai được bao nhiêu. “Cần có hẳn chương trình của Chính phủ, coi kích cầu tiêu dùng nội địa là vấn đề lớn”, ông Vinh kiến nghị.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank cũng kiến nghị Chính phủ cần có thêm các chính sách như giảm thuế thu nhập cá nhân để “khoan sức dân”, tăng khả năng tiêu dùng và triển khai một số giải pháp hỗ trợ tài khóa khác cho doanh nghiệp để kích thích tiêu dùng.
Minh An (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.