Kích hoạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng
Các sự kiện giới thiệu hàng hóa được tổ chức liên tục hứa hẹn nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội sẽ tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm.
Hà Nội đang có những động thái quyết liệt để thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Hà Nội rất lớn, trong khi sức sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mới đáp ứng được 60%, sản phẩm chế biến chỉ cung cấp được khoảng 20% so với nhu cầu thị trường, riêng các sản phẩm thủy sản, hải sản đều phải thu mua từ các tỉnh và nhập khẩu... Do đó, Hà Nội thường xuyên có kế hoạch tổ chức các tuần hàng để người tiêu dùng Thủ đô có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với các đặc sản vùng miền.
Đặc biệt, thời gian này, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sức tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội giảm đáng kể nên các sự kiện giới thiệu hàng hóa như "Tuần hàng Việt Nam và sản phẩm OCOP" vừa được tổ chức tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) chính là sự kiện kích cầu tiêu dùng hữu hiệu, nhằm tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Hà Nội. Đồng thời cũng là kênh để giúp các DN vượt khó sau đại dịch khi sản lượng xuất khẩu bị giảm trầm trọng do ảnh hưởng bởi Covid-19 trên toàn cầu.
Đó chính là lý do để Sở Công Thương Hà Nội tìm kiếm các nguồn hàng cung cấp cho Hà Nội trong thời điểm trước mắt và Tết Nguyên đán sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail, cũng cho rằng, các "Tuần hàng Việt Nam" chính là cầu nối hữu hiệu để cung cầu gặp nhau khi khẳng định, trong và sau mỗi Tuần hàng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ của các đặc sản, nông sản vùng miền ở các hệ thống siêu thị của Central Retail đều tăng khá.
Không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng vào hệ thống siêu thị, các Tuần hàng cũng là kênh quan trọng để các doanh nghiệp “ít tiềm lực” làm thương hiệu có thể tiếp cận gần nhất khách hàng của mình.
Hiện Sở đã lên kế hoạch tổ chức 60 sự kiện kích cầu tiêu dùng, 28 điểm bán hàng cho các tỉnh, thành từ nay đến cuối năm. Sở cũng đã gửi công văn thông báo nhận đăng ký tới Sở Công Thương của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, Hà Nội đã lên kế hoạch hỗ trợ tối đa cho các đơn vị, DN mang hàng cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô khi miễn phí mặt bằng đối với các điểm bán hàng đã có sẵn kiốt. Các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia chỉ phải đóng tiền điện, nước cho đơn vị quản lý. Ngoài ra, Sở Công Thương đang đề xuất Thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt các kiốt đối với những điểm bán hàng chưa có kiốt như công viên, nhà văn hóa.
My LêBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.