Kiểm lâm Thái Nguyên: 50 năm một chặng đường

Địa phương
10:02 AM 24/04/2023

Căn cứ Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân, Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Bắc Thái được thành lập (năm 1973), trải qua 50 năm xây dựng và phát triển lực lượng kiểm lâm nhân dân tỉnh Bắc Thái nay là Thái Nguyên đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

50 năm qua, tổ chức của lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. 

Kiểm Lâm Thái Nguyên:  50 năm một chặng đường. - Ảnh 1.

Ông Lê Cẩm Long, Chỉ cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên (người thứ 2 bên trái) kiểm tra trồng rừng tại huyện Định Hoá

Chi cục Kiểm lâm được tổ chức lại tại Quyết định 1836/QĐ-UBND, ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên gồm 03 phòng nghiệp vụ là Phòng Tổ chức Hành chính (trên cơ sở sáp nhập Phòng Tổ chức Tuyên truyền và XDLL với phòng Hành chính Tổng hợp), phòng Quản lý bảo vệ và Phát triển rừng (trên cơ sở sáp nhập phòng Quản lý bảo vệ và Bảo tồn thiên nhiên với phòng Sử dụng và Phát triển rừng) và phòng Thanh tra pháp chế; 01 Đội KLCĐ- PCCCR; Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa và 08 Hạt Kiểm lâm cấp huyện, thành phố (giảm 01 đơn vị trực thuộc Chi cục là Ban quản lý rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc do sáp nhập với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng thành Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên). Tổng số công chức, viên chức, lao động hợp đồng là 165 người, trong đó: Công chức 124, Viên chức 14, LĐHĐ: 27 người.

Kiểm Lâm Thái Nguyên:  50 năm một chặng đường. - Ảnh 2.

KIểm lâm Thái Nguyên diễn tập chữa cháy rừng

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là: 352.96 ha bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện và 03 thành phố) với tổng số 178 đơn vị hành chính cấp xã; đất quy hoạch cho lâm nghiệp là: 179.914,28 ha, trong đó: Đất rừng sản xuất là 97.731,53 ha; đất rừng phòng hộ 45.971,63 ha; đất, rừng đặc dụng là 36.211,12ha. Được quy hoạch theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lâm nghiệp của địa phương ngoài ra còn quan tâm đến các giá trị về phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học với các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm; giữ gìn các giá trị lịch sử đi đôi với khai thác tiềm năng du lịch.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương các huyện, thành phố do vậy các chỉ tiêu về lâm nghiệp thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch được giao. 

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng cơ bản được kiểm soát, diện tích rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm, số vụ vi phạm từ 535 vụ năm 2013 giảm còn 99 vụ năm 2022 (giảm 81,5%); số vụ cháy rừng giảm; tỷ lệ che phủ rừng tăng hàng năm từ 46,33% năm 2017 lên 47,06% năm 2022 (tăng 0,73%); bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 7%/năm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kiểm Lâm Thái Nguyên:  50 năm một chặng đường. - Ảnh 3.

Kiểm tra thực địa tại huyện Đại Từ

Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng bước đầu đã có sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã có sự chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng đất rừng để thu hút các dự án phát triển kinh tế không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả nổi bật đáng ghi nhận là việc giám sát chuyển mục đích sử dụng rừng và việc thực hiện các chương trình, dự án về lâm nghiệp cũng như công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Đi đôi với việc quản lý, bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình phát triển kinh tế từ rừng, từ đó giúp nhân dân xoá đói, giảm nghèo, nhiều hộ dân đã làm giàu từ kinh tế đồi rừng. Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị lâm sản từ sản xuất, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

UBND tỉnh Thái Nguyên luôn khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ; giảm cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thủ công; giảm tỷ lệ sản phẩm chế biến thô, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ nhỏ. Thực hiện liên kết sản xuất chế biến gỗ theo chuỗi giá trị, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tạo các vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có 521 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản (trong đó, có 16 doanh nghiệp, 03 Hợp tác xã, 14 công ty và 488 là hộ gia đình).

Dự án trồng rừng sản xuất, phòng hộ, xây dựng Vườn cây Bác Hồ tại ATK Định Hoá và nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 đã mang lại những tín hiệu khả quan. Kết quả trồng mới được 30.905 ha, khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được 110.766 lượt ha; chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng các năm 6.199ha; trồng cây phân tán được 3.620 nghìn cây. Hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế nương rẫy từ nguồn ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp gạo được 1.127,8 tấn cho 1560 lượt hộ với trên 6900 nhân khẩu trên địa bàn 5 huyện Định Hoá, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Võ Nhai, Phú Lương.

Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực là mục tiêu để phát triển kinh tế xã hội. Trong 3 năm (2020-2022) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trồng được 1.523,96 ha cây quế bằng 40,10% kế hoạch (3.800 ha KH). Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: Đến nay, đã có 3/5 chủ rừng nhóm II quản lý rừng đặc dụng, sản xuất được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững với 30.146,55 ha rừng đặc dụng, 4.282,75 ha rừng sản xuất; thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên được 1.331,9ha/1.400 ha, đạt 95,13% kế hoạch toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là hướng đi mới và bước đầu đã đem lại hiệu quả, làm tiền đề cho thời gian tiếp theo.

Nhìn lại 50 năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách để giữ màu xanh cho rừng. Thời cơ và vận hội mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất, xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn