Kiểm soát khí thải theo lộ trình phù hợp

Xã hội
07:00 AM 16/07/2020

Trong số báo ra ngày 14 và 15-7, Báo Hànộimới đã đề cập đến việc quản lý các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là mô tô, xe máy. Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung quy định mô tô, xe máy sẽ phải kiểm soát khí thải định kỳ. Đây là vấn đề cấp thiết bởi mô tô, xe máy cũ, nát cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Dù triển khai sẽ gặp khó khăn song cần quyết tâm thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, góp phần giảm tai nạn giao thông.

    Xe máy cần được kiểm định khí thải và quy định niên hạn sử dụng giống như ô tô.

    “Thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường

    Ô nhiễm môi trường hiện được xác định chủ yếu đến từ 3 nguồn: Hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là lớn nhất. Cả nước hiện có gần 60 triệu mô tô, xe máy, được coi là “thủ phạm” chính thải ra 80%-90% khí CO (carbon monoxide), HC (hydro carbon), 50% lượng NOx (oxit nitơ) trong tổng lượng phát thải của xe cơ giới.

    Là hai đô thị lớn nhất cả nước nên Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sự ô nhiễm này. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu mô tô, xe máy, còn thành phố Hồ Chí Minh có gần 7,8 triệu chiếc. Số lượng mô tô, xe máy chiếm khoảng 90% tổng lượng phương tiện xe cơ giới tại 2 địa phương này.

    Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông - Vận tải) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ Giao thông - Vận tải trình, với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định tiêu chuẩn khí thải đối với 80%-90% xe máy tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng cho khoảng 60% xe máy tại các đô thị loại 1, loại 2. Tuy nhiên, do chưa có các quy định pháp lý nên đề án khó triển khai bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô mà chưa quy định đối với mô tô, xe máy. Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, nội dung kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải mô tô, xe máy đã được bộ phận soạn thảo đưa vào.

    Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông - Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có xe máy. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường.   

    Hoàn thiện hành lang pháp lý, đặt lộ trình phù hợp

    Hiện nay trên đường phố Hà Nội không khó bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát, phần lớn được dùng chở hàng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không bảo đảm an toàn cho chính người điều khiển và cộng đồng.

    Ông Trịnh Hoàng Giang, trú tại số nhà 71 phố Thanh Lân (quận Hoàng Mai) cho rằng, trước đây, nhiều người lo ngại việc thực hiện chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến người lao động nghèo. Tuy nhiên, cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường quá lớn. Đã đến lúc cần “luật hóa” việc kiểm soát khí thải đối với xe máy, nghiên cứu niên hạn sử dụng để loại bỏ xe máy cũ, nát như đang áp dụng với ô tô.

    Chủ trương đúng, song cách làm như thế nào để bảo đảm quy định đi vào cuộc sống là điều quan trọng. Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, cho rằng, đối với xe máy đã cũ nát, trước hết nên có chính sách hỗ trợ để thu hồi hoặc chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng là người nghèo, người thu nhập thấp. Quan trọng nhất là đưa ra lộ trình phù hợp nhằm kiểm soát khí thải và dần loại bỏ xe máy cũ nát. Đồng thời tuyên truyền tác hại của xe máy cũ nát, tạo sự đồng thuận trong việc bảo đảm môi trường an toàn cho cộng đồng xã hội. Đi đôi với đó là tăng cường kiểm tra và có chế tài đối với các trường hợp không chấp hành.  

    “Việc kiểm soát khí thải xe máy có thể thực hiện thông qua các đại lý ủy quyền, trạm bảo dưỡng, bảo trì dưới hình thức xã hội hóa. Qua thực tế thí điểm kiểm soát khí thải xe máy cho thấy, thời gian kiểm tra đối với mỗi xe máy chỉ mất khoảng 5-10 phút. Sau khi kiểm tra, nếu không đạt tiêu chuẩn, chủ phương tiện phải bảo dưỡng, sửa chữa xe để đáp ứng đúng tiêu chuẩn lưu hành. Cơ quan chức năng có thể dùng logo hay tem kiểm định để phân biệt xe nào đã kiểm định đạt chuẩn”, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hữu Tiến cho biết.

    Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tiến, khi luật được ban hành, cách triển khai, việc phân loại phương tiện, loại bỏ phương tiện không bảo đảm... sẽ được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn thi hành. 

    Quy định về niên hạn sử dụng của xe ô tô được thực hiện từ năm 2004. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổng số xe hết niên hạn sử dụng trên toàn quốc đến nay là gần 220.000 chiếc. Riêng tại Hà Nội, năm 2020 có hơn 1.600 xe hết niên hạn sử dụng. Trong khi đó, đến hiện tại vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng của mô tô, xe máy.

    Tuấn Lương
    Ý kiến của bạn