Kiên Giang: Chăm lo tốt đời sống những "đứa con nuôi đồn Biên phòng”
Không chỉ có làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trong những năm qua, các đơn vị Biên phòng tuyến biên giới huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang còn quan tâm, chăm lo đến đời sống bà con nghèo vùng biên.
Ngoài mô hình "Nâng bước em tới trường" đã giúp cho hàng trăm em học sinh nghèo có điều kiện đi học, các đơn vị còn nhận chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng", cho các em có một tổ ấm, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và vui bước đến trường cùng bè bạn đồng trang lứa.
Em Phạm Quốc Sĩ, 14 tuổi, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành chuẩn bị tựu trường, bước vào lớp 7, năm học 2021 - 2022, cũng đã làm con nuôi Đồn Biên phòng Phú Mỹ được 3 năm. Sĩ sống với bà ngoại từ khi cha mẹ em chia tay, hoàn cảnh bà cũng khó khăn nên không đủ khả năng cho em đi học. Ðể chia sẻ khó khăn cùng gia đình, Chỉ huy Ðồn Biên phòng Phú Mỹ đã quyết định đón em về nuôi dưỡng và nhận em làm con nuôi đơn vị. Trong thời gian nghỉ hè, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đơn vị đã bố trí cho Sĩ về ở nhà chăm sóc bà ngoại.
Bà Trần Thị Bê, bà ngoại của em Sĩ vô cùng vui mừng khi thấy cháu mình trưởng thành, chăm ngoan sau thời gian làm con nuôi Đồn Biên phòng. Ở nhà Sĩ rất chăm ngoan, biết vâng lời bà ngoại, giúp đỡ mẹ được nhiều việc. Bà Bê bày tỏ: "Tôi rất vui và tự hào về Sĩ, biết ơn Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã chung tay, giúp cháu tôi nên người, có sức vóc, trí lực như hôm nay".
Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường - Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết, hàng tuần cán bộ vẫn vận động quần chúng thường lui tới gia đình Sĩ cho rau củ, gạo, cá thịt để gia đình em có thêm bữa ăn no. Cán bộ Ðồn Biên phòng Phú Mỹ còn tranh thủ kiểm tra bài học, động viên tinh thần, chỉ dạy thêm nhiều điều để vào năm học mới 2021-2022 em trưởng thành và học tốt hơn.
Hiện tại, đơn vị đang chuẩn bị áo quần, tập sách, cử cán bộ thường xuyên lui tới nhà, kiểm tra bài vở, chuẩn bị cho em vào năm học mới. Nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến như hiện tại, đơn vị sẽ bố trí cho em ở nhà, cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ cả em và bà ngoại.
Còn em Danh Thông, con nuôi Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha mất, nhà nghèo, mẹ đành để em lại cho bà ngoại, đi tìm kế mưu sinh. Nếu không có Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành nhận làm con nuôi, cho ăn, học thì không biết cuộc sống của Thông sẽ ra sao. Trong những ngày hè, em Thông được Đồn Biên phòng bảo bọc, chăm sóc. Đơn vị chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, chỉ dạy việc học hành, dạy nhân cách sống, chuẩn bị mọi thứ cho năm học mới. Để nâng cao tinh thần, thể chất của Thông, mỗi buổi chiều em đều được bố trí tham gia lao động, cải thiện đời sống, sinh hoạt thể thao, văn hóa tinh thần theo chế độ của 1 quân nhân trong đơn vị.
Cũng giống như Sĩ và Thông, em Danh Nghĩa, ở tại Ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành mồ côi cha từ nhỏ, được Đồn Biên phòng Vĩnh Điều nhận nuôi từ năm 2019. Trong suốt thời gian nghỉ hè, Nghĩa được đơn vị bố trí cho về sống với mẹ, cùng mẹ đi làm để lo cho gia đình và nuôi dạy đứa em gái. Tựu trường tới đây, em sẽ vào lớp 9, cả nhà và đơn vị đang chuẩn bị cho em mọi thứ tốt nhất để em đến trường. Chị Phạm Thị Dung, mẹ em Nghĩa cho biết, từ khi làm con nuôi trong đơn vị, em trưởng thành hơn rất nhiều. Mấy ngày hè, em biết giúp đỡ gia đình từ cơm nước, dạy em gái học, rồi đi làm cùng mẹ mỗi ngày để có thêm thu nhập.
Bằng trách nhiệm cũng như tình cảm của những người cha, người chú, người anh thường xuyên xa nhà, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã chăm nuôi các em như người thân trong gia đình. Ngoài việc ăn, ở, sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn dạy các em kỹ năng sống cơ bản, đặc biệt chú trọng dạy học cho các em. Cùng với đó, các "bố nuôi" cũng thường xuyên học hỏi, trau dồi, phổ cập kiến thức để có thể dạy cho các em học theo chương trình giáo dục mới. Dưới mái nhà chung của lực lượng Bộ đội Biên phòng, các em đều được yêu thương, dạy dỗ học tập, rèn luyện nhân cách để lớn lên có thể trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Các "con nuôi đồn Biên phòng" được cán bộ, chiến sỹ đơn vị chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc học như con ruột, người thân của mình.
Tại Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, và trao đổi về triển khai Cơ chế JCM trong giai đoạn 2021 - 2030.