Kiên Giang: Cương quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)
Trước thực trạng tàu cá Việt Nam còn vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), chậm nhất là đến ngày 31/12/2021.
Kiên Giang là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất Việt Nam, tính đến tháng 6/2021 toàn tỉnh có 9.890 tàu (trong đó 461 tàu dịch vụ hậu cần) đã được đăng ký, có 3.985 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên… Vì thế, đánh bắt khai thác thủy sản cũng là một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngư dân vừa là người đóng góp trực tiếp phát triển ngành khai thác thủy sản, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, ngư dân cũng là người tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Việc EC đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam nói chung đã gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang và đời sống của ngư dân.
Tuy nhiên, Kiên Giang cũng là một trong những tỉnh có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất trong nhiều năm, nhưng việc điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đạt hiệu quả.
Sau gần 4 năm thực hiện chống khai thác hải sản IUU, Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp, trong năm 2020 đã đề nghị 1.045 chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam và có 1.375 tàu quay về, cảnh báo bằng văn bản 28 tàu vượt ranh giới trên biển; kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng phối hợp điều tra, xác minh, xử lý theo quy định; kiểm tra, vận động hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến 99% tàu thuộc diện phải lắp (3.620/3.651 tàu).
Vừa qua, Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh, để tổ chức thực hiện, với mục tiêu là từ đây đến cuối năm thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như: Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nhân dân chấp hành, thực hiện Luật Thủy sản, chống khai thác IUU; thành lập đoàn làm việc với một số huyện, thành phố có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều đến nay chưa ngăn chặn được, động viên chủ tàu trong thời gian tới ủng hộ chủ trương không đưa tàu khai thác vùng biền nước ngoài (như Rạch Giá 16 tàu, Châu Thành 14 tàu, An Biên 6 tàu…).
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng, xử lý nghiêm sai phạm cả người có chức năng và người/phương tiện bị kiểm tra, kiểm soát; tăng cường phối hợp vận động chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển ngước ngoài khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định; tiếp tục vận động số tàu cá thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình còn lại hoàn thành việc lắp đặt.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển nhất là vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, mở đợt cao điểm từ nay đến cuối năm nhằm ngăn chặn tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài; Cương quyết điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững; triển khai thực hiện Dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang…
Kiên Giang quyết tâm tập trung triển khai quyết liệt, phải chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài để góp phần thực hiện hoàn thành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn Dương - Quốc GiangKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.