Kiên Giang: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024
Sáng 30/10, tỉnh Kiên Giang tổ chức ĐHĐB các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng để hội nhập và phát triển”.
Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Diện tích tự nhiên là 6.348 km2, có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, có đường biên giới đất liền giáp với Campuchia dài 49.677 km, đường ven biên trên đất liền dài trên 200 km.
Tỉnh có 12/15 huyện, thành phố, có 49/144 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống; có 49 xã và 46 ấp, khu phố (41 xã và 8 phường, thị trấn) được phân định khu vực thuộc vùng DTTS (khu vực I có 46 xã; khu vực II có 1 xã; khu vực III có 2 xã); có 15 ấp đặc biệt khó khăn; có 5/24 xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào DTTS.
Cho 6.120 hộ DTTS vay vốn phát triển sản xuất
Dân số toàn tỉnh có 467.562 hộ, với 1.748.465 khẩu, trong đó: đồng bào các DTTS có 69.965 hộ với 261.134 khẩu, chiếm 14,9% dân số của tỉnh. Hộ nghèo toàn tỉnh còn 5.990 hộ, chiếm 1,28%; hộ cận nghèo 10.438 hộ, chiếm 2,23%, trong đó: hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 1.679 hộ, chiếm 2,40%, hộ cận nghèo là 2.548 hộ, chiếm 3,64%. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đứng hàng thứ ba trong khu vực ĐBSCL, chiếm 13,19% (sau tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh). Đa số kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làm vườn rẫy, đánh bắt hải sản và một số ngành nghề khác.
Kiên Giang xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Những năm qua, trên cơ sở các chương trình, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN.
Tỉnh đã hỗ trợ đồng bào vay vốn phát triển kinh tế - đời sống, giảm nghèo cho 6.120 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất với số tiền 30.600 triệu đồng, các Chương trình tín dụng khác cho gần 20.000 lượt đồng bào vay để sản xuất kinh doanh với số tiền gần 240.000 triệu đồng. Cấp thẻ BHYT cho đồng bào ở các xã thuộc vùng khó khăn theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ, Kiên Giang đã cấp 357.254 lượt thẻ BHYT với kinh phí 206.781 triệu đồng.
Hỗ trợ cho 250 hộ nghèo DTTS để phát triển sản xuất, với kinh phí 1.252 triệu đồng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tổ chức 13 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho trên 840 lượt đại biểu là cán bộ cơ sở và người DTTS, cấp phát 850 bộ tài liệu tuyên truyền, với kinh phí 303 triệu đồng.
Tổ chức 30 lớp tập huấn, thành lập 4 câu lạc bộ và xây dựng 3 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức in 2.500 tờ rơi bằng 2 thứ tiếng Việt - Khmer có liên quan về giới và bình đẳng giới để phát cho người dân, với kinh phí 432 triệu đồng theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức 24 cuộc tuyên truyền và thành lập 4 câu lạc bộ, với kinh phí 360 triệu đồng theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách như thăm hỏi ốm đau, tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền... với kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng cho 285 người có uy tín.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tác cho 10.115 hộ, với kinh phí 15.172 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã bố trí ngân sách 250.000 triệu đồng để nâng cấp mở rộng 16 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 6.900 hộ có nước sạch sử dụng. Đã có 3.411 học viên là người DTTS tham gia học nghề và giải quyết việc làm.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng DTTS đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông qua nguồn lực của Trung ương và của tỉnh, đã tập trung đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách vùng DTTS, từ đó KT-XH vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng nâng lên.
Kết cấu hạ tầng vùng DTTS tương đối đồng bộ, cơ bản đảm bảo GTNT thuận tiện, điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ, đảm bảo cho yêu cầu kết nối, nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Từ đó, đời sống của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,70% (năm 2019) xuống còn 2,40%.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được duy trì và tăng cường thực hiện. Các lễ hội văn hóa truyền thông, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, vật lực; các di sản văn hóa ngày càng được giữ gìn, bảo vệ tốt hơn và phát huy được giá trị...
Công tác giáo dục, đào tạo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, ưu tiên đầu tư vùng đồng bào DTTS, chất lượng dạy và học trong các Trường PTDT nội trú ngày càng được nâng lên. Tỉnh thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh vào các Trường dân tộc nội trú hằng năm cho gần 2.000 học sinh, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh DTTS ở các cấp học đúng quy định.
Từ năm 2019-2024 đã vận động 113 khoản viện trợ, tài trợ với tổng kinh phí 37.600 triệu đồng, để xây dựng 21 cây cầu, 4 đường GTNT, sửa chữa 15 điểm trường với 17 phòng và 2 tivi, nâng cấp mở rộng 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, khoan mới 680 giếng nước bơm tay, hỗ trợ hệ thống nước sạch ở 44 điểm trường, 01 dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu, hỗ trợ 60 hộ phát triển sản xuất và 2.600 kg gạo, trao tặng 3.494 suất học bổng, tặng 3.762 phần quà, hỗ trợ sửa chữa 01 điểm chùa Khmer, tặng 240 xe đạp cho học sinh nghèo, tặng 500 suất khám, chữa bệnh… Từ kết quả đạt được trong xây dựng NTM thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 63 triệu đồng/người/năm.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết, Kiên Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, có vị trí chiến lược quan trọng, với 27 thành phần dân tộc, gần 270.000 người DTTS sinh sống ở những nơi có vị trí quan trọng không chỉ về mặt KT-XH mà còn về QPAN.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng DTTS có nhiều thay đổi; đời sống mọi mặt của đồng bào được nâng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào được cải thiện, đáp ứng việc đi lại, học hành, chữa bệnh... của đồng bào.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị tỉnh Kiên Giang cần quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Đồng thời, mong muốn đồng bào DTTS dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn…
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, trong 5 năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các DTTS được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực: nhiều chủ trương, chính sách đầu tư của Nhà nước được triển khai thực hiện, nhiều nguồn lực được huy động, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép để tập trung đầu tư phát triển KT-XH cho các địa phương có đông đồng bào DTTS…
Văn hóa - xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy; các ngày lễ, tết, lễ hội truyền thống của các DTTS được các cấp, các ngành tạo điều kiện và hỗ trợ tổ chức trọng thể, chu đáo gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng DTTS. Các chính sách ASXH như: cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi… được triển khai thực hiện tốt, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho đồng bào các DTTS.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các đồng bào dân DTTS cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong toàn xã hội.
Triển khai hiệu quả các chính sách phát triển KT-XH vùng có đông đồng bào DTTS theo hướng phát triển nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào DTTS.
Đồng thời, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào các DTTS duy trì và phát huy các hoạt động văn hóa, sinh hoạt lễ hội truyền thống của dân tộc mình; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phát triển đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào các DTTS lành mạnh, văn minh.
Văn DươngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.