Kiên Giang: Đại hội đại biểu các DTTS huyện Gò Quao lần thứ IV năm 2024
Ngày 29/5, huyện Gò Quao long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung dự và chỉ đạo đại hội cùng với lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; sở, ban ngành tỉnh và 150 đại biểu chính thức.
Gò Quao có diện tích tự nhiên 43,950,72 ha. Huyện có 10 xã, 01 thị trấn với 99 ấp, khu phố, trong đó có 6 xã: Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Thới Quản, Vĩnh Hòa Hưng Nam và Vĩnh Phước B được công nhận thuộc vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dân số 34.238 hộ với 137.737 khẩu, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 33,57%.
Theo báo cáo chính trị, giai đoạn 2019-2024, huyện Gò Quao đã thực hiện tốt các chương trình, dự án chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS, trên địa bàn huyện đã hỗ trợ đất ở cho 83 hộ, tổng diện tích 2 ha, kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, với tổng kinh phí 249 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất là 364 hộ, tổng diện tích 73 ha, hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, với tổng kinh phí 5.460 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề là 443 hộ, 5 triệu đồng/hộ, tổng kinh phí 2.215 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 557 hộ, với số tiền mỗi hộ là 1.450 triệu đồng, tổng số tiền 807.650 triệu đồng.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TT ngày 14/10/2021 của Chính phủ đã hỗ trợ cất mới 131 căn nhà, 184 hộ chuyển đổi nghề, 127 bồn nước cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Sửa chữa 6 nhà văn hóa ấp và tổ chức các giải thi đấu thể thao, hỗ trợ tham gia các hội thi nhân dịp Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang và Tết cổ truyền Chôl - Chnăm - Thmây của đồng bào dân tộc Khmer. Mở 12 lớp nghề cho 187 người lao động trong vùng DTTS.
Đồng thời, đồng bào DTTS trong huyện luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, quan tâm giữ gìn và khôi phục các đội văn nghệ Khmer; biểu diễn nhạc ngũ âm; đội múa chằn; đội múa Rô bam… các thiết chế văn hóa trong đồng bào dân tộc.
Hiện nay tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 692 hộ, tỷ lệ 2,01% (2.047 khẩu); hộ cận nghèo là 852 hộ, tỷ lệ 2,48% (2.964 khẩu), trong đó 345 hộ nghèo là đồng bào DTTS; 360 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (1.300 khẩu).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Gò Quao được phân bổ tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 - 2024 với tổng kinh phí 14.986 triệu đồng, thực hiện 3 Dự án và 4 Tiểu dự án.
Trong 5 năm qua đã có trên 523 lượt con em đồng bào DTTS được tham gia các lớp dạy nghề nông thôn; hơn 3.597 người được tư vấn, giới thiệu và tìm việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong 5 năm qua, có 2.087 hộ đồng bào DTTS đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp.
Từ nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, như cầu đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hạ thế điện, trường học, trạm y tế, chợ xã… với tổng nguồn vốn đầu tư trên 654 tỷ đồng.
Hiện có trên 90% tuyến đường liên xã, liên ấp vùng DTTS đã được bê tông hóa, trên 98% hộ đồng bào DTTS đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Ngoài các chương trình chính sách của Trung ương, từ nguồn kinh phí của tỉnh, trên địa bàn huyện đã có 4.630 lượt hộ nghèo dân tộc Khmer được hỗ trợ hơn 1 tỷ 389 triệu đồng nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hàng năm.
Qua đó, góp phần làm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh. Bên cạnh nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng được chú trọng phát triển, các cơ sở chế biến, dịch vụ được kêu gọi đầu tư tại các vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài các cơ sở chế biến, dịch vụ còn có Nhà máy may Vinatex Kiên Giang và cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam đang thu hút hàng ngàn lao động ở các vùng có đông đồng bào DTTS.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang cho biết, Gò Quao là địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống với 5 dân tộc anh em.
Trong phát triển kinh tế, huyện Gò Quao đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, rà soát và quy hoạch lại vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất, hướng dẫn các phương pháp canh tác cải tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết nối bao tiêu sản phẩm; triển khai thực hiện tốt các Chương trình MTQG.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, đồng bào DTTS trong huyện có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc, quan tâm giữ gìn và khôi phục các đội văn nghệ trong đồng bào DTTS; quan tâm hỗ trợ trùng tu, sửa chữa, xây dựng các chùa, miếu ngày càng khang trang, sạch đẹp; các lễ trọng, tết cổ truyền được duy trì tốt, phối hợp tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang hàng năm; hệ thống trường, lớp học vùng đồng bào DTTS đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học; tỷ lệ huy động học sinh DTTS đến trường hàng năm đều tăng; triển khai tốt các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường trong vùng đồng bào DTTS.
Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu là tổ chức và cá nhân là doanh nghiệp và các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình, mở thêm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con.
Ông Nguyễn Lưu Trung cũng lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG; trên cơ sở đó củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt những nơi khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là các địa bàn còn khó khăn. Tập trung giải quyết tốt về nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt.
Cạnh đó, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với chế biến với tiêu thụ sản phẩm, phát triển hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, du lịch; có hỗ trợ phù hợp với quy định cho các nhà đầu tư vào vùng DTTS để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ có thu nhập ổn định; hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phát huy ngôn ngữ chữ viết của các dân tộc thiểu số; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.
Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ DTTS; thực hiện dạy nghề cho thanh niên người DTTS; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào các DTTS.
Văn DươngCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.