Kiên Giang: Dấu ấn nổi bật sau nửa nhiệm kỳ của huyện Vĩnh Thuận

Địa phương
03:32 PM 29/01/2024

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, có nhiều cách làm mới trong lãnh đạo, điều hành và khát vọng phát triển cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Vĩnh Thuận đã nỗ lực vượt khó, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Vĩnh Thuận (01/1964-01/2024), phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận. 

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận.

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận.

Phóng viên: Vĩnh Thuận qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

Ông Lê Trung Hồ: Một nửa chặng đường của nhiệm kỳ đã đi qua, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so Nghị quyết (trên 50%). Trong công tác xây dựng Đảng, thì thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn biến tâm trạng xã hội để lãnh đạo định hướng tư tưởng, khắc phục và xử lý kịp thời những tư tưởng tiêu cực, lệch lạc. 

Quan tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng… gắn với khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Chuyên đề toàn khóa về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và chuyên đề hằng năm đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã phát triển mới 406 đảng viên, đạt 81,12% Nghị quyết; nâng toàn Đảng bộ huyện hiện nay có 3.371 đảng viên.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; việc phân công, bố trí, sử dụng cán bộ cơ bản đúng theo quy hoạch; đã điều động, bổ nhiệm, luân chuyển 132 lượt cán bộ. Làm tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cấp ủy các cấp giai đoạn 2020-2025, nhiệm kỳ 2025-2030 và những năm tiếp theo. 

Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện duy trì nề nếp đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng các cấp của huyện đã phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai sâu rộng các phong trào, các cuộc vận động thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (giai đoạn 2021-2023) đạt so Nghị quyết. Tổng giá trị sản xuất đạt 21.896,300 tỷ đồng, đạt 64,53% so Nghị quyết; trong đó: Ngành nông - lâm - thủy sản là 16.591,22 tỷ đồng; công nghiệp 1.796,78 tỷ đồng; xây dựng 3.508,300 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7.546,57 tỷ đồng. Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, tăng 7,6% so năm 2020. Tích cực huy động các nguồn lực trong nhân dân để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.128,461 tỷ đồng.

Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện từng vùng, tiểu vùng; tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của huyện, như một số mô hình lúa - tôm, lúa - màu tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng sản lượng lúa 407.876,050 tấn, đạt 84,79% so Nghị quyết. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, toàn huyện có 8 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp và thật sự trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, cả về giao thông, điện, nước, trường học, y tế, văn hóa, nhà ở dân cư, văn hóa nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; kết quả đến nay có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. 

Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện duy trì nề nếp đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện duy trì nề nếp đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao 2 xã: Vĩnh Phong, Bình Minh, trong đó phấn đấu xã Bình Minh đạt chuẩn cuối năm 2023, xã Vĩnh Phòng đạt chuẩn vào năm 2024 và năm 2025 xã Bình Minh đạt NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, thực hiện tốt các chương trình đầu tư phát triển đô thị, phấn đấu đưa thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại IV theo lộ trình vào năm 2025.

Bên cạnh đó, các dự án đi qua địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo, đã tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ đạt 94,38% kinh phí, tỷ lệ thu hồi đất đạt 96,94%, bàn giao mặt bằng tuyến chính cao tốc Bắc - Nam tổng diện tích là 667.492,99m2, đạt 90,57% và bàn giao mặt bằng tuyến nhánh với diện tích 117.020,75m2, đạt 83,97%. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven sông Cái Lớn, đã ban hành 549 Thông báo thu hồi đất và đang thực hiện thẩm định ngoại nghiệp. Công trình đường dây 110kV, đang tiến hành phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ.

Công tác giáo dục, y tế, lao động việc làm, công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm. Công tác chuyển đổi số được thực hiện có hiệu quả. Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của huyện trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết lần thứ XII Đảng bộ huyện?

Ông Lê Trung Hồ: Kinh nghiệm của Vĩnh Thuận trước hết là, quan tâm chăm lo công tác cán bộ, làm tốt công tác đánh giá cán bộ, mạnh dạn thay thế những cán bộ yếu kém, thiếu quyết liệt, tinh thần trách nhiệm không cao, hiệu quả công tác thấp để bố trí những đồng chí có năng lực, quyết tâm, quyết liệt trong công tác, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị huyện, khắc phục sức ì trong lãnh đạo, điều hành, tạo ra năng lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị; đi đôi với quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đây là nội dung quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, đơn vị.

Hai là, triển khai quán triệt kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn địa phương, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tránh dàn đều, góp phần nâng lên chất lượng, hiệu quả trong cụ thể hóa Nghị quyết.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (giai đoạn 2021-2023) đạt so Nghị quyết.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (giai đoạn 2021-2023) đạt so Nghị quyết.

Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết phải bám sát nghị quyết đại hội và chủ trương cấp trên, khắc phục bằng được những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết, phải quyết tâm, quyết liệt, kiên trì vượt qua khó khăn; đảm bảo sự đồng bộ thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh, thúc đẩy mọi mặt của huyện phát triển. Kịp thời tổ chức sơ, tổng kết các văn bản cấp trên, cấp mình để uốn nắn, nhân rộng cách làm hay, tập trung chỉ đạo khắc phục có hiệu quả các hạn chế.

Bốn là, tăng cường đoàn kết nội bộ, quyết tâm đổi mới phương pháp, phong cách và lề lối làm việc của các cấp ủy theo hướng sâu sát cơ sở, xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, tăng cường phân công cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn để theo dõi, nắm bắt tình hình, qua đó tổng hợp, đánh giá, đề xuất để Ban Thường vụ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân, tăng cường đối thoại để tạo đồng thuận trong nhân dân. Phát huy tính tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ; phát huy vai trò các ngành, các cấp huy động nguồn lực trong xã hội, nguồn lực từ trong nhân dân để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển của huyện nhà; đi đôi với tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ban, ngành cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội gặp những khó khăn, trở ngại gì?

Ông Lê Trung Hồ: Ảnh hưởng của những khó khăn, biến động của tình hình kinh tế thế giới, trong nước, giá nhiên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, không ổn định; dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng; các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Cạnh đó, do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, xuống cấp, trung tâm huyện cách xa các vùng kinh tế phát triển nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại còn phổ biến trong nhân dân

Sự phối kết hợp giữa các ban, ngành chuyên môn với các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn từng lúc chưa chặt chẽ, chưa gắn kết, dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Phóng viên: Với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới?

Ông Lê Trung Hồ: Phát huy những kết quả đạt được hơn nữa nhiệm kỳ qua, là tiền đề cơ bản để triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Về xây dựng Đảng, Huyện ủy sẽ chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gắn với củng cố, kiện toàn nâng lên chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo và báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Phấn đấu đưa thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại IV theo lộ trình vào năm 2025.

Phấn đấu đưa thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại IV theo lộ trình vào năm 2025.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các loại hình tuyên truyền; chú trọng công tác định hướng, điều tra dư luận xã hội, nắm sát diễn biến tâm trạng, tư tưởng cán bộ đảng viên, nhân dân. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Cùng với đó, là thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng lên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ, chú trọng nâng lên chất lượng sinh hoạt theo chuyên đề. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, quản lý chặt chẽ đảng viên cả nơi công tác và nơi cư trú theo quy định; phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình; phân công cấp ủy, trưởng, phó ngành chỉ đạo toàn diện ấp, khu phố gặp gỡ hộ dân hàng tháng.

Trong phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn với kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với Hợp tác xã và của người dân. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thành lập mới và nâng lên chất lượng hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. 

Phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển các sản phẩm OCOP ở địa phương, phấn đấu hàng năm công nhận ít nhất từ 3 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chú trọng đầu tư các ngành sơ chế nông - thủy sản, ngành nghề truyền thống; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Văn hóa, xã hội, chú trọng đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm. Củng cố, kiện toàn, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học theo quy định. 

Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng lên chất lượng khám, điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn, đồng thời nâng cấp sửa chữa và bảo đảm đủ số lượng thuốc điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện. Đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống các loại tội phạm và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Với sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn quân trong huyện, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, chúng tôi tin Vĩnh Thuận sẽ hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Văn Dương (thực hiện)
Ý kiến của bạn