Kiên Giang: Đồn Biên phòng Hòn Sơn tuyên truyền IUU cho người dân sinh sống trên bờ

Địa phương
03:12 PM 10/11/2023

Từ đầu năm 2023 đến nay, đồn Biên phòng Hòn Sơn đã tập trung nhiều thời gian để tuyên truyền đến các hộ dân, chủ tàu, người thân của ngư phủ đang sinh sống, làm ăn tại các bãi biển trên địa bàn đơn vị phụ trách.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng cách làm mới

Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Hòn Sơn xác định việc tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến các hộ dân quanh đảo là cách làm mới, sẽ mang lại hiệu quả cao. Bởi đây chính là những người dân có ghe, tàu, người thân đang làm ăn, mua bán, đánh bắt ngoài biển. Thông qua tiếng nói của họ, sẽ là chiếc cầu nối hiệu quả nhất, lan tỏa kiến thức pháp luật rộng hơn đến mọi người dân, ngư dân. 

Cán bộ đồn Biên phòng Hòn Sơn tổ chức họp dân tuyên truyền IUU đến người thân của ngư dân tại ấp Bãi Bấc, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải.

Cán bộ đồn Biên phòng Hòn Sơn tổ chức họp dân tuyên truyền IUU đến người thân của ngư dân tại ấp Bãi Bấc, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải.

Ngoài ra, đồn Biên phòng Hòn Sơn còn chú trọng tuyên truyền cho ngư dân hiểu "không sử dụng xung điện và chất nổ khi tham gia đánh bắt trên biển, không tham gia đánh bắt hải sản sai tuyến, sai vùng đánh bắt". Đồng thời, tổ chức cho người thân của ngư dân cùng tham gia ký cam kết vận động gia đình không có người đánh bắt hải sản trái quy định pháp luật.

Trung tá Vũ Minh Tuân, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Hòn Sơn cho biết, địa bàn đơn vị phụ trách hầu hết bà con làm nghề biển, nuôi trồng hải sản, hậu cần nghề biển. Trong năm 2023 này, đồn Biên phòng Hòn Sơn xác định lấy đối tượng tuyên truyền là những người thân của bà con ngư dân trực tiếp đi biển để tuyên truyền. 

Vì không ai có thể nói cho người khác nghe theo, làm theo bằng chính người mẹ, người vợ của mình. Cùng với đó việc tuyên truyền tại các xóm dân cư ven biển cũng thuận tiện trong đi lại, mất ít thời gian, dễ tiếp cận… nên có thể làm thường xuyên, liên tục, thậm chí gặp bà con lúc ăn uống, đi chợ vẫn có thể tuyên truyền.

Bác Trần Văn Quyết, ngư dân ấp Bãi Bấc, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải chia sẻ, tôi là người dân sống ở đảo này đã lâu, nhà thì có 2 tàu đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày. Thời gian qua, được cán bộ đồn Biên phòng Hòn Sơn thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cán bộ Biên phòng còn tuyên truyền cho tôi và gia đình biết về việc chung tay chống khai thác hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển các nước. 

Tôi thấy đây là việc làm rất ý nghĩa, nên đã đứng ra vận động gia đình, bà con tuyệt đối không đi sang vùng biển các nước khai thác hải sản. Những tàu có công suất lớn đến địa bàn này neo đậu, trao đổi hàng hóa, bản thân tôi cũng truyền đạt lại với các tài công những vấn đề mà cán bộ Biên phòng tuyên truyền để mọi người hiểu và cùng chấp hành.

Chung tay tháo gỡ "thẻ vàng"

Để gỡ "thẻ vàng" của EC thì cần chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong khi đó EC chỉ gia hạn cho Việt Nam đến hết tháng 10/2023 và Đoàn công tác của EC chuẩn bị có đợt thanh tra lần thứ 4 tại Việt Nam nhằm kiểm tra tình hình, đánh giá các kết quả thực hiện các yêu cầu về chống khai thác IUU. Đây là khoảng thời gian đòi hỏi chúng ta cần tập trung cao độ để quyết tâm tháo gỡ được thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Nhưng với điều kiện chỉ còn 1 tàu cá vi phạm thì EC vẫn không bỏ "thẻ vàng".

Tặng cờ và ảnh Bác cho bà con đang làm ăn, sinh sống quanh đảo Hòn Sơn.

Tặng cờ và ảnh Bác cho bà con đang làm ăn, sinh sống quanh đảo Hòn Sơn.

Để chung tay cùng các địa phương trên cả nước quyết tâm gỡ "thẻ vàng" của EC, lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang nói chung, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hòn Sơn nói riêng đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước đánh bắt hải sản trái phép. Mà cụ thể là đơn vị đã làm thường xuyên, thường xuyên thay đổi cách làm, hình thức tuyên truyền. 

Với cách tuyên truyền chống khai thác IUU trên bờ nhưng hiện nay, bước đầu cho thấy có sức lan tỏa mạnh. Nó không chỉ làm cho ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn nâng lên, mà còn là cầu nói hiệu quả mang kiến thức pháp luật đến các ngư dân đang làm ăn trên biển.

Hiện nay, đồn Biên phòng Hòn Sơn đã thành lập được 2 tổ công tác chuyên trách vấn đề IUU. Mỗi tuần ít nhất 1 lần, 2 tổ này xuống địa bàn, gặp gỡ, trao đổi nhiều vấn đề có liên quan đến kiến thức pháp luật cùng bà con. Lúc đầu là trò chuyện, trao đổi, hỏi han việc làm ăn, mua bán, đánh bắt và tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác... Tiếp đó, là xin gửi tờ rơi, tờ gấp, rồi tranh thủ đọc một đoạn văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc thường nhật của người dân, cùng thông tin các quy định của địa phương. 

Song song với đó là phát thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về chung tay tháo gỡ "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) đang áp dụng đối với ngành thủy sản nước ta. Tranh thủ tiếng nói của các chủ tàu, người cao tuổi, nhờ họ giúp tiếng nói, truyền tải kiến thức pháp luật, nhất là tác hại của việc vi phạm chủ quyền vùng biển đến con em đang đánh bắt ngoài khơi. Từ đó nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật của ngư dân trong khai thác thủy sản.

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn