Kiên Giang: Đồng bào Khmer Vĩnh Thuận đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, hạnh phúc
Hàng năm, cứ đến dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer lại nô nức đón mừng năm mới với nhiều hy vọng mới. Những ngày này, đồng bào, chư tăng, phật tử Khmer tại huyện Vĩnh Thuận cùng nhau chúc phúc, mừng tuổi, báo hiếu, cầu mong sang năm mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14-16/4, nhằm ngày 24-26/2 Âm lịch). Các chùa của đồng bào Khmer được sửa sang khang trang, các gia đình đã sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để chào đón năm mới, với đồng bào Khmer các hoạt động vui chơi, nghi lễ tôn giáo trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây đều diễn ra tại chùa. Do vậy, đồng bào phật tử tề tựu về các điểm chùa để tiến hành các nghi lễ truyền thống.
Tại chùa Chắc Băng Mới, khu phố Vĩnh Phước 2, thị Trấn Vĩnh Thuận được chuẩn bị rất chu đáo từ khâu trang hoàng bàn thờ phật, tổ tiên cho đến khuôn viên trong và ngoài chùa thật sạch, đẹp, khang trang tạo nên không khí ngày Tết cổ truyền thật ý nghĩa, vui tươi, hạnh phúc.
Thượng tọa Danh Cảnh, Trụ trì Chùa Chắc Băng Mới, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Vĩnh Thuận chia sẻ, chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 nhà chùa cũng đã chuẩn bị trang quàng treo cờ, sửa sang nơi cơ sở thờ tự, bố trí nơi chỗ thờ phật, nơi cúng để chuẩn bị đón tiếp phật tử đến chùa trong 3 ngày Tết của đồng bào dân tộc khmer.
Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 đêm 4 ngày, ngày thứ nhất gọi là năm cũ, ngày thứ hai đón năm mới, rồi ngày thứ ba, ngày cuối tại chùa diễn ra là phật tử đem cơm đến chùa cúng dường cung thỉnh quý vị sư cầu siêu vong linh ông bà quá cố, sau đó cúng tắm phật. Ngày Tết năm nay Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận phối hợp với Trung tâm VHTT huyện tổ chức các trò chơi dân gian cho đồng bào phật tử trong huyện đến để chơi các trò chơi dân gian diễn ra tại chùa Chắc Băng Mới.
Để ngày Tết diễn ra phong phú, phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, tại các Chùa còn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer như lễ dâng hương bàn thờ Phật, lễ cúng cơm dâng thực phẩm cho người quá cố, tụng kinh cầu siêu…
Đồng thời, tổ chức các hoạt động múa, hát tại chùa, tổ chức giao lưu thể thao trò chơi dân gian cho bà con phật tử trong huyện tham gia giao lưu với nhau.
Anh Danh Điệp, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết, đối với phật tử người Khmer bổn sóc của chùa, khi Tết đến bản thân sẽ đến chùa tiếp quét dọn vệ sinh lau chùi bàn phật chổ nơi thờ cúng, vệ sinh lau chùa, khuôn viên chùa quét dọn cho sạch sẽ cho mọi người phật tử lại chùa những ngày Tết cho sạch đẹp, trang nghiêm. Trong 3 ngày Tết, chùa có tổ chức trò chơi dân gian mình cũng có tham gia cho vui, nhộn nhịp ngày Tết.
Còn gia đình chú Lý De, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, những ngày Tết này, gia đình chú nhờ cần cù lao động sản xuất, chăn nuôi mà đến nay đã thoát nghèo, xây được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp, đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay thật sung túc, đủ đầy, hạnh phúc bên gia đình, con cháu.
Chú Lý De chia sẻ, năm nay mình ăn Tết sung túc hơn mọi năm. Dịp Tết này, gia đình cũng có làm mâm cơm, mua trái cây cúng bàn thờ gia tiên, cúng xong rồi đi chùa cầu Phật phù hộ cho gia đình làm ăn khá giả, phát đạt hơn.
Vĩnh Thuận là huyện cũng có nhiều người dân Khmer sinh sống với 1.832 hộ, có 6.154 khẩu, chiếm 7,37%; trong đó hộ nghèo là 116 hộ chiếm 17,4%. Thời gian qua, huyện luôn được sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn lực đầu tư của các cấp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, để cùng quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer có cuộc sống ngày càng phát triển, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần đưa diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc ngày càng đổi mới.
Trong dịp Tết này, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban ngành huyện còn thành lập đoàn đến thăm, chúc Tết và tặng quà các chùa Khmer, cán bộ là người Khmer đang công tác và đã nghỉ hưu, các vị sư sãi, chức sắc, chức việc, gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trong huyện. Đồng thời, vận động giúp đỡ, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tổ chức họp mặt, chúc Tết và tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân lao động là người dân tộc Khmer được nghỉ để đón Tết; Tổ chức họp mặt cho đại biểu là người dân tộc Khmer tiêu biểu trong huyện.
Người khmer trên địa bàn huyện thời gian qua luôn phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bà con luôn nâng cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ra sức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phát triển. Ngoài ra, cộng đồng người Khmer còn nâng cao ý thức cảnh giác, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.