Kiên Giang: Dùng xung điện đánh bắt thủy sản là vi phạm pháp luật

Địa phương
05:06 PM 30/03/2023

Hiện nay, trên một số vùng biển tỉnh Kiên Giang, lực lượng Biên phòng thường xuyên, phát hiện, bắt giữ các ghe của ngư dân dùng xung điện để đánh bắt cá, tôm. Đây là một việc làm vi phạm pháp luật, nguy hiểm đến tính mạng chính người sử dụng, làm tận diệt các loài thủy, hải sản…

Trong năm 2022, các đơn vị Biên phòng tuyến biển, đảo của tỉnh Kiên Giang đã thường xuyên phát hiện, bắt giữ nhiều phương tiện dùng xung điện công suất lớn để đánh bắt hải sản. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ông Ngô Văn Cảnh (SN 1990, ngụ tại xã Phước Thế, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) sau khi bị đồn Biên phòng Xà Lực (TP. Phú Quốc) bắt, tịch thu 6 bộ kích điện, ông Cảnh khai nhận đã mua kích điện từ Bình Thuận để đánh bắt hải sản. Ông Cảnh cho biết, vẫn biết dùng kích điện đánh cá là sai, nhưng do nguồn lợi hải sản ít, nên phải dùng đến kích điện mới sống được…

Tang vật kích điện của ngư dân dùng để khai thác hải sản trên vùng biển Kiên Giang bị các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang bắt giữ đầu năm 2023.

Ngoài ra, các đơn vị Biên phòng như Hải đội 2, Hòn Sơn, Dương Đông, An Thới… cũng thường xuyên bắt giữ các tàu cá khai thác hải sản bằng công cụ kích điện. Tuy đã được lực lượng BĐBP, cùng các cơ quan chuyên ngành tuyên truyền, vận động không được khai thác hải sản bằng hình thức chít điện, dùng thuốc nổ, chất độc… để đánh bắt. Đã triển khai đến các tổ đoàn kết trên biển nhằm kịp thời phát hiện, tố giác hành vị khai thác hải sản trái phép. Cùng với đó là kêu gọi bà con vùng biển tăng cường nuôi trồng để tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản, hạn chế khai thác theo kiểu hủy diệt. 

Nhưng đến nay, thực trạng này vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong ngư dân vùng biển, đảo. Riêng năm 2022 các đơn vị Biên phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức trên 500 đợt tuần tra, bảo vệ chủ quyền, kết hợp với kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Các đồn Biên phòng đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua đó phát hiện nhiều vụ sử dụng xung điện, chất nổ khai thác hải sản, xử phạt số tiền hàng trăm triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng trăm bộ kích điện các loại, hàng ngàn mét dây điện.

Đại tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương ven biển của tỉnh. Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, các đồn Biên phòng đã bắt giữ, xử lý gần 10 vụ, tịch thu 16 bộ kích điện. Thời gian tới, cùng với việc tuần tra xử lý vi phạm, các đơn vị Biên phòng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, giúp ngư dân hiểu biết thêm về các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản. Đồng thời tự quản, tự giữ ngư trường của mình để khai thác bền vững.

Việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường, mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản bị pháp luật nghiêm cấm theo các quy định: Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7//2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Luật Thủy sản số 18/2017/QH14.

Theo quy định tại Mục 6 Điều 12 Nghị định 31/2010/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi dùng xung điện đánh bắt cá như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa (CV) hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m. Phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy mà tổng công suất máy chính từ 20CV trở lên đến dưới 90CV. Phạt tiền từ 6 triệu đến 12 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 250CV. Phạt tiền từ 12 triệu đến 20 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ  250CV trở lên.

Ngoài hình thức xử phạt trên, những người thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện còn bị tịch thu ngư cụ, công cụ khai thác. Chủ tịch UBND cấp huyện, Thanh tra Chi cục ngành thủy sản, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng là những lực lượng có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi này.

Hồng Ân - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.