Kiên Giang: Gác tình riêng, chung sức cùng đồng đội chống dịch trên đảo ngọc Phú Quốc
Nén nỗi đau bố vợ mất ở quê nhà Nghệ An, cùng sát cánh cùng đồng đội phòng, chống COVID-19 nơi đảo ngọc Phú Quốc… là câu chuyện cảm động của Thiếu tá Trần Văn Tú - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Dầu, TP Phú Quốc.
Thiếu tá Trần Văn Tú quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm nay anh mới 18 năm tuổi quân, 15 năm tuổi Đảng. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Trần Văn Tú về nhận công tác tại đồn Biên phòng Thổ Châu - Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Đến năm 2014 về nhận công tác tại đồn Biên phòng Gành Dầu và đến năm 2017, anh được giao nhiệm vụ Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Gành Dầu cho đến nay.
Trên cương vị công tác nào, Thiếu tá Trần Văn Tú luôn mẫu mực, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, với đồng chí, đồng đội. Người đồn phó ấy cũng luôn đi đầu, luôn là người chỉ huy gương mẫu, được cấp trên tin tưởng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tôn trọng, được chính quyền, các lực lượng và quần chúng nhân dân địa bàn quý mến.
Được công tác trên hòn đảo lớn nhất cả nước, lại đang trong giai đoạn chuyển mình đi lên, Thiếu tá Trần Văn Tú có biết bao trăn trở vì sự bình yên, no ấm của đồng bào vùng biển, đảo Tây Nam. Thế rồi anh hứa quyết tâm phải mang hết khả năng, trí lực, góp phần cùng đơn vị, chính quyền địa phương xây dựng một vùng biển, đảo Kiên Giang ngày thêm tươi đẹp hơn. Ngay từ ngày đầu về nhận nhiệm vụ trên đất đảo, anh đã dành nhiều thời gian để bám địa bàn, tăng cường mối quan hệ với các lực lượng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, bám dân mà công tác. Chung tay xóa đói, giảm nghèo, tham gia nhiều công tác khác của địa phương, nhằm từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đơn vị đóng quân.
Đại úy Trần Quốc Phú - Chính trị viên Phó đồn Biên phòng Gành Dầu cho biết, trong công tác hàng ngày, anh luôn nêu cao tinh thần phê, tự phê bình trong toàn đơn vị. Lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của chiến sĩ, tôn trọng ý kiến đóng góp của cấp dưới. Trong các cuộc họp, anh đã mạnh dạn chỉ ra cái đúng, cái sai của bản thân, cũng như của đồng chí khác, không né tránh trách nhiệm, hay ủy thác cho cấp dưới. Từ đó mối đoàn kết nội bộ ngày càng được cũng cố, tình cảm giữa người chỉ huy với chiến sĩ thêm bền chặt, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên cương vị của mình, để tạo dựng cơ sở, tai mắt trong nhân dân, hàng tuần anh cùng đồng đội tăng cường xuống địa bàn, tích cực tham gia các buổi họp dân. Lên các tàu cá, lồng bè, xóm dân cư để trò chuyện, gặp gỡ trực tiếp với bà con ngư dân. Qua đó, anh nắm bắt được tình hình địa bàn, lắng nghe, tiếp thu được nhiều ý kiến đề đạt của bà con. Sau đó cùng cấp ủy, ban chỉ huy bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có phương án đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm, thỏa lòng mong muốn của người dân.
Ông Phạm Hữu Kiệt - Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, TP Phú Quốc cho biết thêm, tuy còn trẻ tuổi, lại là chỉ huy đơn vị có đông cán bộ tuổi đời, tuổi quân đã lớn, nhưng Thiếu tá Trần Văn Tú luôn hài hòa trong mọi công việc. Luôn lắng nghe ý kiến đề đạt của cấp dưới, quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ đơn vị, quyết đoán năng động, nhiệt tình trong mọi công việc. Thiếu tá Tú đã chung tay xây dựng đơn vị thành một điểm sáng văn hóa vùng Bắc đảo Phú Quốc. Chủ động phối hợp cùng địa phương, các lực lượng triển khai đồng bộ các mặt công tác theo tinh thần Nghị định 03 của Chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí lãnh đạo đơn vị, liên tục đánh bắt nhiều vụ buôn lậu lớn. Giúp dân phòng chống thiên tai, bão, lũ…
Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, Thiếu tá Trần Văn Tú đã cùng đồng đội tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập chốt phòng, chống dịch, duy trì nghiêm các chốt trực 100% quân số. Bên cạnh đó, từ mối quan hệ của bản thân, anh còn kêu gọi các tổ chức từ thiện ủng hộ vật tư cho công tác phòng, chống dịch của đơn vị.
Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã lập thêm 07 chốt chống dịch trên đoạn bờ biển đơn vị phụ trách. Chỉ đạo nhiều tổ công tác bám, nắm địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh. Phát động phong trào toàn dân tố giác hành vi xuất, nhập cảnh trái phép trên biển. Nêu cao tinh thần cảnh giác, không tiếp tay cho buôn lậu, bao che người nhập cảnh… Hiểu được nỗi vất vả của anh em chốt liên ngành, anh cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên đến các chốt thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Mang vật dụng thiết yếu cho bộ đội để anh em yên tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện luân chuyển, xoay vòng cán bộ thay nhau trực chốt để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo nhiệm vụ chống dịch lâu dài.
Khi hỏi về gia đình, Thiếu tá Trần Văn Tú cho biết, tôi lập gia đình năm 2012, vợ tôi là giáo viên cấp 2 dạy học ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, tôi đã có 2 con. Trước đây mỗi năm vợ chồng gặp nhau được 1 tháng vào kỳ phép năm của tôi. Từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, 2 vợ chồng không gặp nhau. Cha mẹ 2 bên đều già yếu, cũng may 2 bên nội ngoại gần nhau, nên một mình vợ tôi lui tới chăm sóc. Vừa rồi bố vợ tôi mất, đúng vào lúc cả nước thực hiện Chỉ thị 16, nên tôi không về chịu tang được. Đơn vị lập một bàn thờ vọng, họa di ảnh tại đơn vị để tôi thắp hương. Tôi thấy vợ tôi hy sinh quá nhiều, ngày thường con dâu vất vả chăm sóc bố mẹ chồng. Đến khi bố vợ mất mình lại không thể ở nhà cùng tiếp lo hậu sự.
Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên cương vị Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Thiếu tá Trần Văn Tú đã có sự phối hợp ăn ý với các lực lượng, đẩy mạnh tuần tra, mật phục, bắt giữ 44 đối tượng nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Bắt giữ 01 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, nhiều vụ vận chuyển hàng lậu trên vùng biển đơn vị phụ trách. Chỉ đạo đơn vị phối hợp với các cơ quan y tế địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với những thành tích trên, Thiếu tá Trần Văn Tú đã được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tặng nhiều giấy khen đột xuất. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhiều năm liền công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Văn Dương - Tiến VinhTheo thông báo mới nhất tại EU, khu vực sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới.