Kiên Giang: Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh trong bối cảnh bình thường mới
Hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua, nhất là đợt dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh từ giữa tháng 7/2021. Tuy nhiên, ngành Công Thương Kiên Giang đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhiều chỉ tiêu đạt và tăng so cùng kỳ.
Năm 2021, ngành Công Thương Kiên Giang thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của ngành, nhất là việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đình trệ; làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh.
Dịch bệnh cũng đã tác động sâu, rộng đến các nhóm ngành, lĩnh vực công nghiệp, một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm; nhiều doanh nghiệp/cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; chỉ số tồn kho vào cuối tháng 10/2021 của một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ (tôm đông lạnh tăng 13,86%; may mặc tăng 467,35%; sản xuất xi măng tăng 191,87%; sản xuất gạch tăng 217,20%; clinker tăng 247,16%).
Các hoạt động thương mại dịch vụ phải tạm dừng hoạt động để thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đã làm sức mua tại các chợ giảm đến 60%, tại siêu thị giảm đến 80% so với ngày bình thường; giá một số mặt hàng như xăng dầu, khí đốt, phân bón… trong nước tăng cao so với đầu năm và cùng kỳ đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ và kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2021 lần lượt giảm 33,23% và 10,48% so cùng kỳ…
Ngành Công Thương Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện "mục tiêu kép", duy trì, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công thương theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn. Tham mưu thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3, 4 và 5) cho doanh nghiệp và khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với số tiền là 45,70 tỷ đồng.
Ngành đã triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường đặc biệt là kích cầu tiêu thụ vào những ngày lễ tết trong những tháng cuối năm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Bên cạnh đó, khi thực hiện trạng thái "bình thường mới" ở những tháng cuối năm, nhất là nhu cầu tiêu dùng tăng trong những dịp lễ, tết đã làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh trở lại. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 47.308,91 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 111.928 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 731 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước 125 triệu USD…
Năm 2022 là năm có nhiều thuận lợi hơn nhờ sự đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ vaccine toàn dân, nhất là đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, cùng với nhiều chính sách để thực hiện "mục tiêu kép"; việc lưu thông hàng hóa được thông suốt, chuỗi sản xuất và cung ứng được hàn gắn trở lại...
Theo đó, trong năm 2022, ngành Công thương Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đẩy nhanh triển khai các gói, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là những nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Ngành phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp: về vốn vay để khôi phục dòng tiền; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong và ngoài nước để khôi phục thị trường; về tuyển dụng, cung ứng lao động nhằm sớm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với khối dệt may, da giày, thủy sản có sử dụng nhiều lao động... Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm và diễn biến thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Văn Dương - Quốc GiangTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.