Kiên Giang: Họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây

Địa phương
11:16 AM 10/04/2023

Ngày 10/4, tại Ban Dân tộc tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND - UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh và các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức họp mặt mừng tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi họp mặt.

Ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi họp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2022 vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Kiên Giang đã phấn đấu thực hiện đạt được những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện trên các mặt, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành theo kế hoạch. 

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao 7,7%, cao nhất trong 5 năm gần đây, quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL (tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 116.000 tỷ đồng).

Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều đạt kết quả khá tốt. Sản lượng lúa cả năm đạt hơn 4,4 triệu tấn, vượt 0,19% kế hoạch. Dịch vụ phục hồi phát triển mạnh mẽ, đặc biệt du lịch thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách, vượt 35,15% kế hoạch, tăng 142% so cùng kỳ (trong đó khách quốc tế hơn 220.000 lượt, vượt 11,6% kế hoạch, tăng hơn 6 lần so cùng kỳ). Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, vượt 4,81% dự toán. 

Văn nghệ chào mừng họp mặt tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer.

Văn nghệ chào mừng họp mặt tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023 - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 802 triệu USD, vượt 2,82% kế hoạch, tăng 9,71% so cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, diện mạo của tỉnh ta có nhiều khởi sắc. Công nhận thêm 17 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới và 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,24% tổng số xã).

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết thêm, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thực hiện tốt hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên. Quốc phòng - an ninh được cũng cố tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động nâng lên. 

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2023, mặc dù cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ngay từ đầu năm, nên kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm 2023 khá tích cực. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá cao 6,25% (xếp thứ tư khu vực ĐBSCL); hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có chuyển biến tiến bộ. 

Các đại biểu tham dự họp mặt tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023

Các đại biểu tham dự họp mặt tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023

Những kết quả tích cực đó, thể hiện đoàn kết thống nhất, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng dân tộc Khmer.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer trong tỉnh có tinh thần yêu nước, sống đoàn kết, gắn bó cùng các dân tộc anh em trên địa bàn, trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất, tích cực góp công, góp sức của mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, những năm qua tỉnh Kiên Giang có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó vùng đồng bào dân tộc đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt: Kinh tế tiếp tục phát triển; nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ điện, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe... được thực hiện tốt; diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nâng lên rõ rệt, số hộ khá, giàu, đủ ăn ngày càng tăng, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm còn 1,07%, hộ cận nghèo còn 1,64%. 

Hoạt động giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được đẩy mạnh, các trường dân tộc nội trú hoạt động hiệu quả, chính sách cử tuyển, dạy nghề, dạy chữ dân tộc được quan tâm. Các truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường. Hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng biên giới ngày càng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Công tác phát triển Đảng, xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc ngày càng tăng và có nhiều cán bộ dân tộc trưởng thành.

Bên cạnh đó, các vị sư, chức sắc các chùa và người có uy tín phát huy tốt vai trò hướng dẫn đồng bào Khmer sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động của mặt trận, đoàn thể và quy định của địa phương. Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định và phát triển của tỉnh nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, tỉnh Kiên Giang có bước phát triển khá tốt, song vẫn còn nhiều khó khăn, thu ngân sách chưa nhiều nên việc đầu tư phát triển cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer chưa được như mong muốn, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế. Các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất tuy được tăng cường nhưng hiệu quả còn thấp. 

Một bộ phận trong đồng bào dân tộc cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc chưa đạt được như yêu cầu. Bên cạnh đó các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lãnh đạo tỉnh rất trăn trở trước những thực trạng này, từng bước tìm những chủ trương, giải pháp để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi họp mặt.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi họp mặt.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, quý vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức; trụ trì, Ban quản trị các chùa tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, động viên để đồng bào Khmer, phật tử thông hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp uỷ, chính quyền địa phương; thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, cũng như những thành tựu phát triển trong vùng dân tộc những năm qua, để đồng bào phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước, qua đó cùng chung sức bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Ngoài ra, bằng nhiều phương thức, động viên, giúp bà con nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tiêu dùng tiết kiệm, phấn đấu lao động sản xuất, tiêu biểu gương mẫu trong các cuộc vận động, phong trào của địa phương, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; phấn đấu mỗi địa bàn, mỗi khu dân cư là điểm sáng trong thực hiện các mô hình, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sự đồng thuận trong cộng đồng các dân tộc, đề cao cảnh giác đấu tranh với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, việc làm, chương trình giảm nghèo...

Ông Đỗ Thanh Bình Bí thư, Tỉnh ủy Kiên Giang tặng quà mừng Chôl Chnăm Thmây.

Bên cạnh đó, đối với cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khmer, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị các đồng chí hãy cố gắng khắc phục khó khăn, ra sức học tập để nâng cao trình độ văn hoá, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực phấn đấu trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu mạnh.

Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nơi có đông đồng bào dân tộc tổ chức triển khai, lãnh đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về dân tộc. 

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền phải gần dân, sát dân, nắm chắc tâm tư nguyện vọng, tình hình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của đồng bào; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các kiến nghị, khó khăn của đồng bào ngay tại cơ sở; bảo đảm an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Văn Dương
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.