Kiên Giang: Khánh thành khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú
Sáng 6/1, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự lễ khánh thành khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ Anh hùng liệt sỹ huyện Vĩnh Thuận.
Dự buổi lễ còn có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Lê Hồng Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Quân khu 7, Quân khu 9; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và đông đảo thân nhân các anh hùng, liệt sĩ.
Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ Anh hùng liệt sỹ, người có công huyện Vĩnh Thuận được khởi công xây dựng ngày 17/5/2023 trên diện tích rộng gần 4ha ngay tại khu rừng tràm Bang Biện Phú, khu phi61 Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận.
Công trình do Đại tướng Lê Hồng Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khởi xướng phát thảo và vận động Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Dona Coop và Công ty cổ phần Đầu tư Phú Cường - Kiên Giang tài trợ và thi công.
Công trình chính là đền thờ với không gian thờ liệt sỹ, Bác Hồ được bài trí trang trọng. Đặc biệt, bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao lớn, mang biểu tượng "Miền Nam trong trái tim tôi" được đặt trang trọng trong khuôn viên của công trình.
Trong chiến tranh, rừng tràm Bang Biện Phú là nơi đã bắt bớ, giam cầm và giết hại dã man nhiều chiến sỹ cách mạnh. Tháng 2 năm 1955, Ngô Đình Diệm thành lập Đặc khu An Phước và Quận An Phước, bổ nhiệm tên thiếu tá Lâm Quang Phòng làm đặc khu trưởng, kiêm quận trưởng. Đích thân Ngô Đình Diệm và các thuộc hạ đã dự và cắt băng khánh thành đặc khu An Phước.
Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, chúng thành lập trại giam An Phước trên nền nhà cũ của địa chủ Bang Biện Phú, phía sau trại giam có nhiều đìa lớn nhỏ, có đám tràm trên 100 ha, xung quanh đắp bờ thành cao, có rào dây chì gai nhiều lớp, với diện tích 20m2 chúng nhốt khoảng 100 người, nhà trại được đào sâu xuống 2m, nước lúc nào cũng ngập đến đầu gối.
Trong thời gian khoảng 3 năm (từ tháng 4/1955 đến năm 1957), địch đã mở nhiều cuộc càn quét khủng bố, bắt giam cầm hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị giết hại tại đây.
Trại giam An Phước tuy không phải như khám lớn Rạch Giá hay Nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo… nhưng địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man để hòng mua chuộc, chiêu hàng và làm lung lạc ý chí của những người cộng sản yêu nước.
Thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa", đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thân nhân các liệt sĩ, sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại trại giam An Phước, kết quả đã khai quật được 3 hầm mộ tập thể, mỗi hầm khoảng từ 30 đến 40 hài cốt liệt sĩ; năm 1986 xây dựng nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Thuận (trên nền trại giam An Phước cũ), khi đào đất đắp nền nghĩa trang phát hiện rất nhiều bộ xương cốt, ngoài ra còn nhiều hài cốt liệt sĩ bị mục nát đã lẫn lộn trong đất. Thông tin cung cấp từ các cán bộ cách mạng tham gia công tác ở vùng U Minh Thượng và thông tin từ các tư liệu lịch sử để lại cho thấy hiện còn thất lạc trên dưới 1.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại trại rừng tràm Bang Biện Phú.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, nhắc đến địa danh Rừng tràm Bang Biện Phú trong mỗi chúng ta sống lại những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bơm khốc liệt, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi hùng, oanh liệt, bất khuất của nhân dân vùng U Minh Thượng.
Vì vậy địa phương cần quan tâm làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng liệt sỹ, người có công để nơi đây mãi là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Văn DươngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.