Kiên Giang: Kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Thuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá
Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, trong 21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được UBND tỉnh giao, có 3/21 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 13/21 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch.
Những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm
Thu ngân sách của huyện Vĩnh Thuận 6 tháng đầu năm đạt gần 20 tỷ đồng, đạt 49,28% kế hoạch, giảm 21% so với cùng kỳ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện đảm bảo các nguồn vốn và kịp thời giải ngân vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho người dân, trong đó, nguồn vốn huy động trên 883 tỷ đồng; Tổng doanh số cho vay trên 754 tỷ đồng; Tổng dư nợ 1.505 tỷ đồng…
Năm 2023, huyện Vĩnh Thuận được giao vốn đầu tư công trên 196 tỷ đồng, bố trí cho 33 công trình (trong đó: 14 công trình chuyển tiếp, 19 công trình mới), đã giải ngân được 69 tỷ đồng, đạt 35,09% kế hoạch.
Trong đó, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với tổng diện tích là 84,95 ha đạt 96,94%, tương ứng 22,6km (trong đó tuyến chính dài 17,1km, tuyến nhánh dài 6,2km) có 426 hộ với 462 phương án, diện tích đất thu hồi, bồi thường là 876.375,92m2 với tổng kinh phí bồi thường được duyệt trên 182 tỷ đồng.
Hiện còn 16 hộ với 17 phương án chưa nhận với số tiền trên 10 tỷ đồng (đã tổ chức đối thoại lần 2). Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven sông Cái Lớn đã ban hành 549 thông báo thu hồi đất và đang thực hiện thẩm định ngoại nghiệp. Công trình đường dây 110kV đang tiến hành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 355 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.574 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 4.913,54 tỷ đồng, tăng 42,35% so cùng kỳ. Trong đó, giá trị nông - lâm - thủy sản đạt 3.861,94 tỷ đồng, tăng 17,71%; công nghiệp 355,06 tỷ đồng, tăng 29,48%; xây dựng 696,54 tỷ đồng, tăng 23,72%.
Sản xuất nông nghiệp, đã thu hoạch dứt điểm 16.483,16 ha các vụ lúa năm 2022-2023, năng suất bình quân đạt từ 5,4 - 5,53 tấn/ha, sản lượng 89.505,53 tấn (đạt 83,65% kế hoạch), tổng giá trị sản xuất lúa khoảng 671 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân khoảng 17,5 triệu đồng/vụ/ha. Vụ lúa Hè Thu năm 2023 gieo sạ 3.259,2 ha, lúa trong giai đoạn từ 7-15 ngày tuổi.
Trồng màu được 541,3 ha, thu hoạch 538 ha, năng suất từ 18-20 tấn/ha, sản lượng 10.222 tấn (giá trị 112,4 tỷ đồng), đạt 107,6% KH, tăng 1.306,6 tấn so với cùng kỳ, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, toàn huyện hiện có 774 ha khóm; 185,38 ha cây dừa năng suất 7.552 trái/ha/năm. Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng, đến nay đã định vị hoàn chỉnh hồ sơ gửi về tỉnh là 40 mã số (trong đó, đã được cấp 13 mã: Lúa 9 mã số; khóm 4 mã số), đạt 129% kế hoạch.
Đồng thời, UBND huyện Vĩnh Thuận chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND cấp xã hướng dẫn người dân lập dự án sản xuất lúa để được hỗ trợ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa với số tiền 6,722 tỷ đồng.
Về thủy sản, toàn huyện có 30.383 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng thu hoạch 13.963,73 tấn (giá trị khoảng 2.513 tỷ đồng), lợi nhuận khoảng 65 triệu đồng/năm/ha. Ngoài ra, người dân còn thu hoạch 947,29 tấn cua (đạt 37,89%), cá thu hoạch 6.702 tấn (41,89%).
Vĩnh Thuận cũng quan tâm hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động, hiện nay toàn huyện có 24 HTX (trong đó: 20 HTX lĩnh vực nông nghiệp, có 513 thành viên; 4 HTX phi nông nghiệp, có 30 thành viên), tổng vốn đăng ký trên 30 tỷ đồng. Hỗ trợ kịp thời về thủ tục, hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu tham gia vào chương trình OCOP, đến nay có 8 sản phẩm được bình chọn đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tổ chức đánh giá, bình chọn 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 15 cơ sở đạt cấp huyện; nâng tổng số đến nay toàn huyện có 70 sản phẩm của 28 cơ sở đạt cấp huyện, 45 sản phẩm của 18 cơ sở đạt cấp tỉnh, 5 sản phẩm của 3 cơ sở đạt cấp khu vực, 1 sản phẩm của 1 cơ sở đạt cấp quốc gia.
Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, đúng định mức, đối tượng; chăm lo cho hộ nghèo, người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... được thực hiện đảm bảo; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được diễn ra sôi nổi, thiết thực; quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học ổn định, tiếp tục được củng cố. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân từng bước được nâng lên, tình hình dịch bệnh Covid-19 được được kiểm soát. ANTT, an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023
Vĩnh Thuận tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 20/12/2022 của Huyện ủy Vĩnh Thuận và Nghị quyết 36/NQ-HĐND ngày 19/12/2022 của HĐND huyện.
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại tôm, cua, các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao của huyện. Phát triển ngành chăn nuôi bền vững đến năm 2030 theo kế hoạch. Ngoài ra, huyện Vĩnh Thuận sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu cuối năm xã Bình Minh được công nhận xã NTM nâng cao.
Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đạt theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Song song đó, huyện Vĩnh Thuận cũng tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước quy hoạch - xây dựng, trật tự đô thị và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Huyện thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình và cá nhân đảm bảo đúng quy định, tăng cường tuyên truyền giải thích chủ trương cho các hộ chưa nhận tiền bồi thường đối với dự án đường dây 110Kv An Xuyên - Vĩnh Thuận, phê duyệt phương án, tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân và bàn giao mặt bằng 100% cho chủ đầu tư thuộc các Dự án: Cao tốc Bắc - Nam, Khu tái định cư huyện, đường dây 110kv Vĩnh Thuận - Gò Quao, đường ven sông Cái Lớn.
Thực hiện tốt các chế độ chính sách người có công, công tác bảo trợ xã hội theo đúng quy định; triển khai thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Tiếp tục tổ chức triển khai diễn tập khu vực phòng thủ tại xã Vĩnh Bình Nam; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện Vĩnh Thuận; xã Tân Thuận năm 2023. Thực hiện tuyển chọn công dân nhập ngũ năm 2024 đạt theo chỉ tiêu được giao. Tiếp tục triển khai các hoạt động "Tết quân - dân" năm 2024 tại xã Vĩnh Phong.
Văn DươngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.