Kiên Giang: Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng bè trên biển
Sinh ra và lớn lên từ vùng biển, quyết tâm làm giàu từ vùng biển quê hương. Với cách nghĩ và sự quyết đoán, dám nói, dám làm, dám đầu tư, mạo hiểm với nghề nuôi thủy sản bằng lồng trên biển, anh Công là một điển hình cho nhiều người dân đã vươn lên làm giàu, thậm chí trở thành tỷ phú từ nghề nuôi cá lồng bè trên biển.
Các lồng bè nuôi cá trên biển của anh Công, sau mỗi vụ thu hoạch, trừ các chi phí, sẽ thu lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.
Từ đất liền ra xã đảo Nam Du lập nghiệp, với ước muốn làm giàu cho quê hương trên chính biển đảo quê hương. Anh Nguyễn Văn Công ở xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đã ấp ủ kế hoạch nuôi cá lồng bè trên biển, vì Nam Du (gồm xã An Sơn và xã Nam Du thuộc huyện Kiên Hải) lúc này chưa có hộ nuôi và chưa có hộ sản xuất con giống. Lúc đầu triển khai bị thất bại với mô hình nuôi cá lồng bè trên biển nhưng anh Công không nản chí, với quyết tâm “làm giàu từ biển”, anh mạo hiểm đầu tư lồng nuôi hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật từ chọn giống, vùng nước nuôi và chăm sóc. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Công cũng đã gặt hái được những thành công nhất định. Hiện anh là chủ của hàng chục lồng bè nuôi cá ở Nam Du. Với hàng ngàn con cá giống và cá thương phẩm thả nuôi, sau mỗi mùa thu hoạch, anh Công thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Anh Công còn kéo lưới lồng bè nuôi cá mú lên cho chúng tôi xem, mỗi con cá mú thương phẩm hiện tại cũng khoảng gần 10kg/con.
Theo tìm hiểu của phóng viên khi đến thăm các lồng bè nuôi cá trên biển ở xã Nam Du. Tại chỗ anh Công nuôi gần hồ Bờ Đập phong cảnh đẹp, nước xanh trong với những rạn san hô nhấp nhô tô thắm thêm cho những lồng bè trên mặt biển. Cá anh Công nuôi chủ yếu là cá mú và cá bớp vì hai loại cá này có giá thương phẩm cao. Kinh nghiệm chăm sóc thì sau bao năm anh đã nắm vững, còn về con giống chủ yếu là mua từ nước ngoài về. Hiện anh Công đang có ý định mở một trại nhân giống để không phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, qua đó cũng có thể giúp người dân ở gần đó tiếp cận được nguồn giống tốt.
Anh Công cho biết, một năm anh thả khoảng 20-50 ngàn con cá giống mú và 5 ngàn con cá giống bớp cho khoảng 30 lồng bè với tổng chi phí khoảng 5 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí nhân công, con giống, thức ăn... “sau vụ thu hoạch, mình thu lại lợi nhuận gần 5 tỷ đồng”. Trong thời gian tới, anh Công sẽ xin UBND tỉnh Kiên Giang 01 mặt bằng để làm trại cá giống, sản xuất cung cấp cho bà con tại địa phương. Khỏi sợ cá giống bệnh hay trầy xước khi vận chuyển từ nơi xa về, qua đó chi phí đầu vào của bà con giảm, sẽ cho lợi nhuận được tối ưu, giúp người nông dân bám trụ được với nghề nuôi biển và làm giàu cho quê hương.
Anh Nguyễn Văn Công cho cá bớp ăn mồi, cá bớp thương phẩm có trọng lượng mỗi con hiện nay khoảng 7kg/con.
Theo ông Phù Vĩnh Thái, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, những người nuôi cá lồng bè có sự phát triển khá tốt về mặt kinh tế, đây cũng là định hướng của ngành về việc đẩy mạnh nuôi biển, nuôi cá lồng bè ở các xã đảo trên địa bàn tỉnh. Nhờ có nguồn thu nhập cao nên hiện tại nghề nuôi cá mú, cá bớp đang phát triển rất mạnh ở Kiên Giang, đặc biệt là các đảo ở huyện Kiên Hải và huyện đảo Phú Quốc. Đồng nghĩa với đó là số người vươn lên làm giàu cũng ngày càng nhiều lên.
Để phát triển nghề nuôi biển mạnh hơn nữa, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đang tập trung rà soát, sắp xếp lại quy hoạch, qua đó đẩy mạnh tổ chức lại nghề nuôi biển theo hướng liên kết chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ mới vào nghề nuôi biển để từ đó có thể nuôi xa bờ và lồng nuôi chịu được sóng to, gió lớn.
Vinh Tâm
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.