Kiên Giang: Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng nơi tuyến đầu chống dịch
Trong gần 2 năm qua, các đơn vị trên 3 tuyến Biên phòng của tỉnh Kiên Giang đã huy động tổng lực, tập chung quân số, phương tiện, khí tài… tăng cường cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quân số ngày càng đông, nhiều lực lượng phối hợp trên vùng biên giới, biển, đảo lại thiếu các mặt sinh hoạt văn hóa, tinh thần, trong khi nhu cầu của Bộ đội rất cao. Trước thực tế trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần, triển khai các văn bản của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế…
Theo đó, các đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên đến các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới làm công tác tuyên truyền, giảng dạy chính trị, thông tin thời sự; triển khai nghị quyết, thông tư, hướng dẫn của cấp trên; cập nhật tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Các đơn vị đã đọc thư kêu gọi của Tổng bí thư, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nội dung toàn đảng, toàn quân, toàn dân chung tay chống dịch; Tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng về chấn chỉnh, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật, mất an toàn; Làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn, nắm vững yêu cầu, quy định về kỷ luật, pháp luật và tự giác chấp hành; Tổng hợp, thông tin các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật gần đây trong Quân đội và đơn vị để rút kinh nghiệm.
Đồng thời các đơn vị đề ra biện pháp khắc phục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng: Biên phòng, Công an, Quân sự, dân quân nắm rõ đặc điểm tình hình và diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo và những hậu quả nặng nề mà dịch COVID-19 gây ra.
Từ đó, cán bộ, chiến sĩ trên các chốt liên ngành có nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động cả hệ thống chính trị, các vị sư, trụ trì chùa, người cao tuổi có uy tín… sát cánh cùng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho Bộ đội nơi tuyến đầu để giúp cán bộ, chiến sĩ vơi bớt những khó khăn, thiếu thốn để yên tâm thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới.
Công tác nắm quân số, nguyện vọng, luân chuyển cán bộ được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm đúng mức. Tùy thuộc vào điều kiện, diễn biến của dịch ở từng địa phương, địa bàn cụ thể để có sự điều chỉnh quân số biên chế linh hoạt. Làm sao cho phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, sở trường chuyên môn… kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đối phó tốt với diễn biến của dịch.
Đến hôm nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã điều động gần 6.000 lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ từ các đơn vị tuyến sau tăng cường, hỗ trợ cho biên giới, biển, đảo thực hiện "nhiệm vụ kép". Quân số liên ngành phối hợp thường trực gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ; đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời động viên, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, lẫn tinh thần. Từ đó tạo động lực, tăng thêm ý chí, sức mạnh chiến đấu chống lại các loại tội phạm trên biên giới, biển đảo.
Để kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến "chống giặc" COVID-19, công tác thi đua - khen thưởng đã được Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm, mang không khí làm việc sôi nổi, tràn đầy tự tin. Cán bộ, chiến sĩ trên chốt luôn cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, người hậu phương… dành cho mình.
Đặc biệt, các chế độ, chính sách, phần thưởng cho đến quân hàm, tư trang, nhu yếu phẩm thiết yếu… đều được Đảng uỷ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trao, phát ngay trên các chốt. Vừa là, để kịp thời phục vụ đời sống anh em, vừa là động viên tinh thần, tạo sức lan tỏa trong mỗi cán bộ, chiến sĩ để anh em tiếp tục phấn đấu ngày một tốt hơn cho nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong gần 2 năm qua, trên chốt các tổ, chốt xuất hiện ngày càng nhiều những câu chuyện, tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, tình quân dân… trong tham gia phòng chống dịch COVID-19, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và chống buôn lậu. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương rất tiêu biểu trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như Thượng úy Hồ Đông Hồ, phó Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, kiêm Tổ trưởng Tổ 3 Bến Xuồng - Biên giới Hà Tiên, người được mệnh danh là mang màu xanh phủ kín biên cương. Hay như, Thượng úy QNCN Ngô Hoàng Sậm, cán bộ Quân y bám trụ trên chốt, suốt gần 2 năm chống dịch COVID-19 không một lần xin về nhà, cho dù gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
Cán bộ các đơn vị triển khai học tập nghị quyết, thông báo chính trị nơi chốt liên ngành phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tiến Vinh
Đặc biệt, Thiếu tá Trần Văn Tú, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Dầu - TP. Phú Quốc, không về chịu tang bố vợ vì bận cùng anh em chống dịch COVID-19 trên đảo ngọc Phú Quốc. Trường hợp lão nông Phạm Văn Nhợi, ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành cho Bộ đội mượn nhà, rồi tham gia nấu cơm cho anh em ăn để yên tâm chống dịch. Thượng úy Danh Hải, Đội trưởng trinh sát đồn Biên phòng Phú Mỹ - Giang Thành, với tiếng loa đồn Biên phòng đã mang được rất nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 đến các phum, ấp. Ngoài ra, còn rất nhiều, nhiều lắm các tấm gương đã phải hy sinh cả quyền lợi của cá nhân để tập trung cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.
Với sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tốt các nghị quyết, chỉ thị, văn bản, hướng dẫn của cấp trên. Sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân các dân tộc trên vùng biên giới, biển, đảo… tin rằng mọi bộ, chiến sĩ trên các tổ, chốt liên ngành thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu sẽ được tiếp thêm ngọn lửa tinh thần to lớn, quyết tâm chiến thắng đại dịch, cho dù có cam go, vất vả.
Văn Dương - Tiến VinhBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.