Kiên Giang: Lãnh đạo BĐBP tỉnh khảo sát, nắm tình hình tuyến biên giới đất liền

Địa phương
12:56 PM 24/11/2024

Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang, cùng đoàn công tác đã thăm, khảo sát tình hình an ninh, đời sống lao động, sinh hoạt và nhiệm vụ bảo vệ biên giới của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến biên giới bộ của tỉnh.

Đoạn biên giới trên bộ của tỉnh Kiên Giang dài 49,677 km, hầu hết là đồng bằng, tiếp giáp 2 tỉnh Kampot và một phần của tỉnh Tà Keo - Vương quốc Campuchia. Toàn tuyến đã cắm 23/28 mốc chính và 80 cọc mốc phụ. Còn khoảng 7,306 km chưa phân giới, cắm mốc và còn khoảng 22km chưa làm xong đường tuần tra.

Kiên Giang: Lãnh đạo BĐBP tỉnh khảo sát, nắm tình hình tuyến biên giới đất liền- Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đi khảo sát, nắm tình hình trên đoạn biên giới bộ của tỉnh.

Sau buổi làm việc với Ban chỉ huy đồn Biên phòng Vĩnh Điều, đoàn công tác xuất phát bằng xe ôtô qua cầu Nha Sáp, lên đường tuần tra, đến mốc chủ quyền 287. Đây là cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới trên bộ của tỉnh Kiên Giang, tiếp giáp xã Vĩnh Gia, tỉnh An Giang. Thượng tá Âu Thành Trí, Đồn trưởng đồn Biên phòng Vĩnh Điều cho biết, đoạn biên giới do đơn vị quản lý dài hơn 13km, từ mốc 287 đến mốc 293/3 là đến đoạn biên giới của Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành.

Trong thời gian qua, có 79 hộ dân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Khoảng 5km tiếp giáp tỉnh Tà Keo, còn lại giáp tỉnh Kampot - Vương quốc Campuchia. Hơn 7km chưa làm xong đường tuần tra, nên chỉ đi xe được một đoạn, còn lại phải đi bộ…

Đại tá Nguyễn Việt Quân, Trưởng phòng trinh sát, BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, tên gọi 79, vì con kênh này được chính quyền huy động toàn dân đào vào năm 1979. Con kênh 79 có nhiệm vụ tiêu mặn, xả phèn, mang nước ngọt, phù sa vào các cánh đồng trên vùng biên. Ngoài ra, con kênh còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lúa, gạo, phân bón, giúp bà con nông dân đi lại, làm nông, làm rẫy thuận lợi hơn.

Trong thời gian hơn 2 tiếng đồng hồ lội ruộng, đến các mốc, chúng tôi có dịp dừng chân thăm, trò chuyện thân mật cùng các chú, các bác đang canh tác trên phần đất của nhà mình. Bác Phan Văn Sỹ, SN 1952, ngụ ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành tâm sự, nhà tôi có hơn 20 năm làm ruộng trên biên giới, gần mốc chủ quyền 287. Trong những năm qua, cùng với chủ trương giao nhận tự quản đường biên, cột mốc, tôi đã đăng ký tham gia tự quản hơn 280m đường biên nơi có đất canh tác.

Những năm trước đây, vùng biên này phèn mặn, không trồng trọt được gì, đời sống người dân vô cùng cơ cực. Những năm gần đây, cùng với chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên, nhiều dự án thủy lợi, cầu, đường, điện… đã giúp cho vùng đất này ngày một chuyển mình khởi sắc. Hiện tại bà con khu vực biên giới này trong 01 năm đã có thể làm 3 vụ lúa, vụ nào cũng trúng đậm.

Chỉ qua vài phút trò chuyện cùng bác Sỹ, cũng như được tận mắt nhìn thấy các cánh đồng rộng bao la, xanh ngút ngàn từ hai bên biên giới ôm vào đường biên, cột mốc. Cùng với hình ảnh người nông dân sau buổi ra đồng, cùng gọi nhau vào các hàng cây, chân cột mốc chuyện trò thân mật, mời nhau điếu thuốc, ca nước, hỏi thăm việc đồng áng… cho thấy một vùng biên thanh bình, đoàn kết, hứa hẹn một tương lai tươi đẹp.

Kiên Giang: Lãnh đạo BĐBP tỉnh khảo sát, nắm tình hình tuyến biên giới đất liền- Ảnh 2.

Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang phát biểu nhận xét sơ bộ sau khi thăm, khảo sát, nắm tình hình và kiểm tra tại các đồn biên phòng, tuyến biên giới trên bộ.

Sau khi uống vội chai nước, thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Chợ Đình, nắm thêm về tình hình vùng biên, đoàn công tác tiếp tục đi xe ôtô đến đoạn biên giới mốc chủ quyền 394, điểm đầu tiếp giáp giữa Đồn Biên phòng Vĩnh Điều và Giang Thành. Tại đây, chúng tôi di chuyển bằng vỏ máy, dọc theo sông Giang Thành vào các con lạch nhỏ, mới lên được các cột mốc.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành quản lý 12km đường biên, trong đó còn khoảng 7,306 km chưa được hoạch định, phân giới cắm mốc. Toàn bộ đoạn biên giới này chưa có đường tuần tra, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, đơn vị đi lại bằng đường thủy, hoặc đi bộ.

Trung tá Hà Đức Hạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cho biết, tuy còn một đoạn biên giới chưa được hoạch định, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên này luôn ổn định. Bà con hai bên biên giới vẫn hàng ngày ra đồng, thăm thân, trao đổi hàng hóa… theo tập quán.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt nhằm thúc đẩy kinh tế của chính quyền, các lực lượng, sự đồng thuận, chí thú làm ăn của nhân dân, trong những năm gần đây, đời sống đồng bào khu vực biên giới do Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành quản lý phát triển ổn định, từng bước đi lên. Hiện nay Đồn Biên phòng tiếp tục tham mưu địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao.

Sau khi làm việc với Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, đoàn công tác di chuyển đến mốc chủ quyền 302/7, đây chính là vị trí mốc tiếp giáp giữa Giang Thành và Phú Mỹ. Đoạn biên giới này dài hơn 10km, từ mốc 302/7 đến tiếp giáp mốc 306 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Hiện nay, chỉ mới làm được khoảng 3,9km có đường tuần tra, còn lại chưa triển khai. Trong quá trình đoàn công tác đi khảo sát biên giới chủ yếu phải di chuyển bằng xuồng máy và đi bộ đến các mốc chủ quyền.

Thượng tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết, do địa bàn có nhiều kênh rạch, có sông Giang Thành cắt qua, nhiều đường mòn, từ bao đời nay bà con quen với việc đi lại theo tập quán. Để quản lý chặt địa bàn, người, phương tiện qua lại, đơn vị tổ chức thêm các chốt, điểm gác, chỉ đạo các tổ công tác tăng cường bám địa bàn, làm dân vận.

Đồng thời, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới. Xây dựng và nhân rộng điển hình các hộ dân là người cao tuổi, có uy tín trong vùng đồng bào để cùng chung tay giúp BĐBP trong các phong trào và đến hôm nay, đơn vị đã có 89 hộ dân tham gia tự quản toàn bộ đoạn biên giới hơn 10km.

Kiên Giang: Lãnh đạo BĐBP tỉnh khảo sát, nắm tình hình tuyến biên giới đất liền- Ảnh 3.

Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang thăm, cảm ơn tình cảm của vợ, chồng bác Lý Văn Nhợi, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành.

Trên đường biên giới, tôi còn được các cán bộ Biên phòng đồn Phú Mỹ nói về bác Lý Văn Nhợi, một lão nông sống hơn 30 trên vùng biên. Bác Nhợi chính là một công dân tiêu biểu trong các phong trào của địa phương, là người trực tiếp cho Đồn Biên phòng Phú Mỹ mượn nhà chống dịch, hàng ngày bác đi giăng lưới, kiếm cá về lo cơm cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt cùng ăn.

Trong chiếc chòi lá đơn sơ của bác Nhợi, nằm chơ vơ bền dòng sông Giang Thành, Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang đã không giấu được cảm xúc trước tấm lòng mà bác Nhợi dành cho lực lượng BĐBP trong thời gian qua. Một người nông dân nghèo, cơm không đủ no, nhưng lại giàu tình cảm, sống có trách nhiệm với đường biên, với chủ quyền quốc gia, hết lòng đùm bọc, cưu mang bộ đội. Đại tá Phạm Văn Thắng vô cùng cảm kích trước tấm lòng, trách nhiệm của bác và xin được tiếp tục gửi gắm bác việc trông coi biên giới, chỉ bảo các cháu Biên phòng trong lời ăn, tiếng nói, trong công việc, nhất là khi tiếp xúc với nhân dân.

Sau khi vào thăm cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Hàn, chúng tôi vượt đầm Đông Hồ bằng xuồng máy đến mốc chủ quyền 306 thuộc sự quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Đoạn biên giới này dài hơn 14km, có 9 mốc chính, 32 mốc phụ, có 01 mốc đặc biệt là mốc 314, cột mốc cuối cùng trên biên giới bộ và bờ biển giữa Việt Nam và Campuchia.

Đường tuần tra biên giới đã cơ bản làm xong, đưa vào sử dụng, thuận lợi hơn cho lực lượng Biên phòng trong bảo vệ biên giới và phục vụ nhu cầu đi lại, nâng cao đời sống dân sinh… Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, TP. Hà tiên phát triển mạnh về du lịch, thương mại, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng được hoàn thiện. Cùng với việc mở cửa, giao thương tại khu liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, đời sống bà con 2 bên biên giới ổn định, đi lên.

Qua 3 ngày đi thăm, khảo sát, kiểm tra dọc biên giới, đoàn công tác đã có buổi làm việc, kết luận sơ bộ đối với các đồn Biên phòng: Vĩnh Điều, Giang Thành, Phú Mỹ và Hà Tiên. Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị. Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tại các đồn, trạm cho thấy những năm qua, các đơn vị luôn có sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, các đơn vị đã làm tốt công tác đối ngoại với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Tích cực chủ động trong trao đổi thông tin, tình hình vùng biên, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biên giới. Chủ trì phối hợp cùng các lực lượng trên tinh thần Nghị định 03 của Chính phủ, quản lý chặt địa bàn, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, giải quyết tốt các vụ việc.

Kiên Giang: Lãnh đạo BĐBP tỉnh khảo sát, nắm tình hình tuyến biên giới đất liền- Ảnh 4.

Đại tá Phạm Văn Thắng thăm, động viên tinh thần chiến sĩ đang trực bảo vệ biên giới.

Qua tiếp xúc với nhân dân khu vực biên giới, cho thấy các đơn vị đã làm tốt công tác vận động quần chúng, bám dân, bám địa bàn, tạo được lòng tin trong nhân dân. Các đơn vị đã tích cực phát động, thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay hướng về đồng bào nghèo vùng biên.

Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị phải xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng nhân dân vùng biên. Phải khẳng định được vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, thật sự là phên dậu biên giới. Và mỗi một người dân trên biên giới là một cột mốc sống, sẵn sàng cùng với cả hệ thống chính trị, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.