Kiên Giang: Muốn gỡ thẻ vàng IUU, trước tiên ngư dân phải tự tháo thẻ cho chính mình

Địa phương
05:16 PM 01/03/2023

Tuyên truyền, vận động, kêu gọi, kiểm tra, giám sát, xử lý… nhưng vẫn chưa thể chấm dứt việc tàu cá nước ta nói chung, tàu cá tỉnh Kiên Giang nói riêng vi phạm chủ quyền vùng biển các nước khai thác trộm hải sản. Việc làm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự vùng biển, ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các nước có chung đường biên giới biển với nước ta.

Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới đất liền dài 49,677km và bờ biển dài khoảng 200km; vùng biển rộng khoảng 63.290km2, phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Campuchia, có chung vùng nước lịch sử với Campuchia rộng khoảng 16.000km2. Trên biển có hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 43 đảo có dân sinh sống. 

Có 10 huyện, thành phố, 57 xã, phường khu vực biên giới. Toàn tỉnh có 9.775 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét là 4.371 tàu; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét là 1.545 tàu; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 3.857 tàu. Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.656/3.859, đạt 94,79%, còn lại 203 tàu cá thuộc diện xóa đăng ký, nằm bờ, hỏng, ngân hàng quản lý... (các tàu này hiện tại không đi khai thác thuỷ sản).

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình (Ảnh trái) - Phó Tổng Tham mưu Trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống IUU, Bộ Quốc phòng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con trong khai thác hải sản trên tàu cá của ngư dân tại cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình (Ảnh trái) - Phó Tổng Tham mưu Trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống IUU, Bộ Quốc phòng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con trong khai thác hải sản trên tàu cá của ngư dân tại cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Lực lượng Biên phòng làm tốt công tác tuyên truyền

Năm 2022, lực lượng Biên phòng tổ chức tuần tra được 4.089 cuộc/17.629 lượt CBCS tham gia, bảo vệ an toàn đoạn biên giới, vùng biển, đảo địa bàn phụ trách; tham gia chữa cháy 5 vụ/52 đồng chí, cứu nạn 13 vụ/82 đồng chí, đưa 4 phương tiện, 19 người vào bờ an toàn. Về công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU, đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền tập trung 7 buổi/178 người tham gia; tuyên truyền qua trạm kiểm soát 18.102 phương tiện/32.858 thuyền viên; hướng dẫn ký cam kết 2.362 chủ tàu và 1.466 thuyền viên.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Biên phòng đã độc lập và phối hợp cùng các lực lượng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân và các chủ tàu. Phối hợp địa phương tuyên truyền tập trung được 28 cuộc/cho 5.517 ngư dân, chủ tàu. 

Các đồn, trạm Biên phòng khi làm thủ tục cho tàu cá ra, vào cửa sông, cửa biển để tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng nắm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, cam kết không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài cho 2.688 thuyền trưởng, phát 2.150 tờ rơi, 500 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, 2.500 cuốn tài liệu tuyên truyền về chống khai thác IUU, tặng 650 lá cờ tổ quốc cho ngư dân. Tuyên truyền về hệ lụy của việc vi phạm vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, kinh tế của quốc gia và của ngư dân.

Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tuần tra phát hiện 101 tàu, tuyên truyền, nhắc nhở 58 tàu, lập biên bản vi phạm, xử lý 43 tàu (bàn giao cho: Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 7 tàu; giao cho địa phương xử lý 36 tàu). Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động ở vùng khơi, để ngăn chặn chấm dứt tình trạng tàu cá Kiên Giang khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định.

Kiểm tra xác nhận nguồn gốc Thủy sản tại cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Kiểm tra xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Quyết tâm, quyết liệt với mong muốn sớm tháo gỡ "Thẻ vàng"

Để "cứu" ngành thủy sản nước ta, giúp bà con ngư dân vượt qua khó khăn, trong thời gian qua, đã có rất nhiều đoàn công tác chuyên ngành từ Trung ương, đến địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ "Thẻ vàng" mà EC áp dụng với ngành thủy sản của Việt Nam. Và đoàn thanh tra của EC cũng đã đến nước ta lần thứ 3 để kiểm tra việc thực hiện khuyến nghị của EC. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có đến 2 thư ngỏ gửi chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng và ngư dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. 

Nội dung thư kêu gọi mọi người dân chung tay hưởng ứng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của EC. Điều này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt với mong muốn sớm tháo gỡ "Thẻ vàng". Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn 1 số chủ tàu, tài công, ngư dân chưa tuân thủ, xem như chuyện thường ngày, vẫn tìm mọi phương cách để qua mắt cơ quan chức năng, tiếp tục vi phạm…

Theo thống kê, Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất cả nước. Theo đó, cũng là tỉnh có lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trộm hải sản nhiều hơn so với các địa phương khác. 

Trong những năm qua, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn vào cuộc quyết liệt, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa, dẫn đến chấm dứt tình trạng tàu cá tỉnh Kiên Giang vi phạm. Với cách làm thường xuyên, liên tục, mưa dầm thấm lâu. Trong đó vừa họp dân tuyên truyền các quy định về Luật Biển, tác hại của việc khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Tổ chức cho chủ tàu, tài công ký cam kết không cho tàu sang vùng biển các nước láng giềng đánh bắt với mọi hình thức. Phát tờ rơi, tọa độ, các thư ngỏ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhằm hướng dẫn, kêu gọi bà con chấm dứt mọi hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài. Tổ chức hướng dẫn cho ngư dân bổ xung các trang thiết bị đi biển, thủ tục giấy tờ, an toàn hàng hải… theo quy định. Phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, yêu cầu tất cả các chủ tàu đánh bắt xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình, (gọi tắt là hộp đen) kèm nhật ký khai thác. 

Đồng thời kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện thiếu bất kỳ 1 loại giấy tờ, trang thiết bị nào. Phối hợp cùng các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, cũng như lực lượng Biên phòng càng thắt chặt kiểm tra, quản lý hoạt động nghề cá, thì các chủ tàu, tài công, ngư phủ đã nghĩ ra nhiều phương cách nhằm đối phó. Cố tình tìm cách qua mặt cơ quan chức năng, để tiếp tục những hành vi vi phạm của mình, nhằm trục lợi bất chính.

Chung sức, đồng lòng đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài

Lực lượng Biên phòng thường xuyên phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển và chống khai thác IUU; từ đầu năm 2023 đến nay tổ chức tuần tra được 66 cuộc/282 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia, kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở gần 400 thuyền trưởng và chủ tàu cá, xử lý 5 vụ/5 chủ phương tiện (2 chủ phương tiện có hành vi tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt; 3 chủ phương tiện sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản). 

Ngoài ra, BĐBP tỉnh Kiên Giang thường xuyên phối hợp với các sở ngành, lực lượng có liên quan trao đổi thông tin, nắm tình hình, điều tra, xác minh tàu cá có nguy cơ cao cần giám sát đặc biệt và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo thông báo của Bộ Tham mưu BĐBP, ngày 09/02/2023, 2 tàu cá KG-95284-TS/09 ngư dân và KG-95285-TS/06 ngư dân bị lực lượng chức năng Malaysia bắt tại vùng biển Malaysia. 

Lực lượng Biên phòng Đồn Biên phòng Tây Yên kiểm tra máy giám sát hành trình trên tàu cá chuẩn bị xuất bến đi đánh bắt thủy sản.

Lực lượng Biên phòng Đồn Biên phòng Tây Yên kiểm tra máy giám sát hành trình trên tàu cá chuẩn bị xuất bến đi đánh bắt thủy sản.

Đơn vị đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các đơn vị phối hợp với các lực lượng liên quan, chính quyền địa phương đang tiến hành điều tra, xác minh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua những biên bản và báo cáo của các đơn vị nghiệp vụ Biên phòng cho thấy: Kể từ khi Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, phối hợp cùng các lực lượng, cơ quan chức năng thắt chặt quản lý tàu cá trước khi ra khơi và trong quá trình đánh bắt, thì đã xảy ra những dấu hiệu đối phó. 

Thứ nhất: Tất cả các tàu trước khi ra khơi phải đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định và nhất là phải có hộp đen đang hoạt động ổn định. Như khi ra khơi, trong quá trình đánh bắt, các chủ tàu, tài công đã tìm mọi cách phá hỏng hoạt động của thiết bị này, sau đó chạy tàu lấn dần sang vùng biển nước ngoài đánh bắt. Khi quay về bến, bị lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu giải thích lý do hộp đen ngừng hoạt động trong khoản thời gian nhất định thì bà con cho là máy bị mất kết nối, mất sóng, hoặc bị sóng to, giông bão, nước biển mặn làm ngắt kết nối.

Thứ hai: Thời gian gần đây lực lượng chức năng còn phát hiện việc tháo thiết bị giám sát hành trình gửi qua 1 tàu khác, sau đó chạy tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt, khi về gắn lại bình thường. Khi cơ quan chức phát hiện hộp đen của tàu cá này vẫn hoạt động trên vùng biển Việt Nam, nên không thể biết mà ngăn chặn hành vi vi phạm vùng biển. Chứng minh cho điều này, thời gian gần đây, các lực lượng đã thường xuyên bắt quả tang các tàu chuyên vận chuyển hộp đen, có trường hợp 1 tàu vận chuyển hơn 20 hộp đen. 

Nhà nước đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để ngư dân ta phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm giúp giảm chi phí vận chuyển. Đến nay ngư dân lại tự nghĩ ra hậu cần "nghề" vận chuyển hộp đen, để cho tàu khác qua mắt lực lượng chức năng, đi khai thác trộm hải sản. 

Điều đáng nói là khi bị phát hiện người nhận chở hộ, hoặc thuê cất giữ hộp đen, thì người vận chuyển đưa ra nhiều lý do. Cho dù có giải thích thế nào, việc tự ý tháo, lắp thiết hộp đen là vi phạm, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ hành vi này.

Thứ ba: Tháo hộp đen mà không ảnh hưởng đến dấu niêm phong, tem kiểm định, kẹp chì của nhà cung cấp… là 1 trong những phương thức đã và đang được ngư dân áp dụng hiện nay. Khi lắp hộp đen, bà con ngư dân lắp trên nóc boong tàu, có trụ bằng sắt, hoặc gỗ gắn với thân tàu bằng ốc vít. Khi ra khơi chỉ cần tháo ốc vít, mang nguyên bệ có lắp hộp đen gửi sang tàu cá khác, sau khi đi sang vùng biển nước ngoài khai thác về gắn ốc vít lại là song. 

Thứ tư: Còn không ít hộp đen chưa đảm bảo chất lượng, tín hiệu kết nối của nhà cung cấp kém và việc bảo trì, sửa chữa chưa thường xuyên, còn chậm. Nên ngư dân ta lợi dụng kẽ hở này mà né tránh kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. 

Thứ năm: Đây là vấn đề nhức nhối mà thực tế đã xảy ra tại tỉnh Kiên Giang, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên ngành trong đấu tranh, xử lý.

Việc ngư dân đưa tàu sang vùng biển các nước khai thác trộm hải sản, bị lực lượng nước sở tại bắt, xử lý, thậm chí phạt tiền, phạt tù rất nặng. Sau khi được tha về, hoặc chủ tàu tự tìm cách chuộc người và tàu về địa phương, phía Bộ đội Biên phòng, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.