Kiên Giang: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày 8/3 và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Địa phương
03:57 PM 28/02/2022

Ngày 24-25/2, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức hoạt động về nguồn nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đồng thời, tích cực thực hiện nhiều công trình, phần việc hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. 

Theo đó, trong 2 ngày (24-25/2), Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức hoạt động về nguồn ôn lại truyền thống ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang dâng hương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang dâng hương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Năm 2022, Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề ngày Quốc tế Phụ nữ là "Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững". Chủ đề nhằm ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người đang đứng đầu trong công tác thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người. 

Chủ đề năm nay gắn với chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 66 Ủy ban địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW66) sắp tới đó là "Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các chính sách và chương trình về biến đổi khí hậu, môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai".

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang ôn lại truyền thống ngày 8/3, tiểu sử của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang ôn lại truyền thống ngày 8/3, tiểu sử của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm.

Ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia. Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương hơn nam giới, đồng thời cũng là người tạo ra thay đổi một cách hiệu quả và mạnh mẽ để giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu. Để phát triển bền vững và đạt được bình đẳng giới cần tiếp tục xem xét các cơ hội và thách thức đối với phụ nữ và trẻ em gái trong việc ra quyết định.

Tại Việt Nam, nhằm hưởng ứng chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022 do Liên hợp quốc và Ủy ban địa vị Phụ nữ lần thứ 66 lựa chọn, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức sự kiện đối thoại chính sách với chủ đề "Hỗ trợ phụ nữ tái phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch COVID-19"

Hội LHPN tỉnh Kiên Giang tặng cây xanh cho khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Hội LHPN tỉnh Kiên Giang tặng cây xanh cho khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Sự kiện nhằm thúc đẩy các chính sách, chương trình góp phần đảm bảo bình đẳng giới và hỗ trợ sự tham gia, lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang của Bà Trưng, Bà Triệu, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam ta có biết bao thế hệ anh hùng, biết bao phụ nữ đã dũng cảm đứng lên chiến đấu và hy sinh oanh liệt. 

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ và hội viên, phụ nữ, nhân dân tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương có nhiều nữ anh hùng hào kiệt luôn khiến bao thế hệ trân trọng và tự hào về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần quả cảm và đức hy sinh vô bờ, như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng đã đi vào tác phẩm văn học nổi tiếng "Hòn Đất" với tên gọi Chị Sứ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương (Hồng Hạnh) đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Kiên Giang nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung... 

Và chúng ta không thể không nhớ đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm (bí danh Việt Hương), sinh năm 1927 tại huyện Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nông dân nghèo. Do chiến tranh ly loạn, năm 10 tuổi, Hồ Thị Nghiêm theo cha mẹ rời quê hương Gò Công về làm ăn sinh sống tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá. Tại đây, người cha thân yêu của cô bị giặc Pháp giết hại. Nỗi mất mát do chiến tranh gây ra, khiến trái tim thiếu nữ của Hồ Thị Nghiêm hằn sâu nỗi đau và nhen nhóm ngọn lửa căm thù quân xâm lược từ đó.

Để tránh sự khủng bố của giặc, gia đình cô chuyển về Ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ làm ăn sinh sống. Năm 1947, khi tròn 20 tuổi, Hồ Thị Nghiêm chính thức tham gia vào tổ chức phụ nữ cứu quốc của xã Dương Tơ. Với tinh thần chịu khó, gắn bó với quần chúng và nhiệt tình công tác, năm 1948, Hồ Thị Nghiêm được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã Dương Tơ, phụ trách phân đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc ấp Cửa lấp. 

Trong hoàn cảnh huyện đảo xa cách đất liền, khó khăn nhiều mặt, cùng với ban chấp hành phụ nữ xã, Hồ Thị Nghiêm luôn xông xáo trong các công việc ủy lạo kháng chiến, xây dựng phong trào phụ nữ phối hợp với các đoàn thể khác tích cực tham gia phục vụ kháng chiến. Tháng 7 năm 1950, Hồ Thị Nghiêm vinh dự được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên ủy viên BCH, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh (đã nghỉ hưu) thường trú trên địa bàn TP Phú Quốc.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên ủy viên BCH, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh (đã nghỉ hưu) thường trú trên địa bàn TP Phú Quốc.

Sau đình chiến năm 1954, Hồ Thị Nghiêm được Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc giao nhiệm vụ cùng Đoàn cán bộ của huyện vào Khu tập kết 200 ngày tại Chắc Băng (thuộc xã Vĩnh Thuận) để học lớp tập huấn cấp tốc đặc biệt 3 tháng dành cho cán bộ các địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh khác của cả vùng Khu 9. Bế giảng khóa học khoảng cuối năm 1954, cô trở lại huyện đảo Phú Quốc, liên hệ với Ban Chi ủy xã Dương Tơ và được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Đảng ấp Cửa Lấp, phụ trách cả ấp Đường Bào. 

Trong thời gian hoạt động nửa bí mật, nửa hợp pháp, cô bị bọn gián điệp chỉ điểm, rơi vào tay giặc. Địch đưa cô về trại giam và tra tấn dã man, nhưng với sự kiên định sắt đá, cô không  khai báo bất cứ điều gì về cơ sở mà cô đã dày công xây dựng. Không có chứng cứ và không khai thác được gì, bọn giặc buộc phải trả tự do cho cô. Sau khi ra tù, cô tiếp tục được Huyện ủy phân công hoạt động hợp pháp với 2 nhiệm vụ: tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng tại Thị trấn Dương Đông và làm giao liên mật cho Tỉnh ủy Rạch Giá tại huyện Phú Quốc.

Ngày 08/6/1959, Hồ Thị Nghiêm cùng 2 đồng chí (Thái và Tập) bị địch bắt trên đường đi công tác. Bọn giặc biết đây là "những cán bộ Việt cộng nằm vùng nguy hiểm", nên sau 2 tuần giam giữ, tra tấn và dụ hàng, không lay chuyển được những tấm lòng son sắt, ngày 20/6/1959, bọn địch đưa Hồ Thị Nghiêm cùng 2 đồng chí (Tập, Thái) đến bãi Cồn Dương (Cây Dừa, An Thới) để xử bắn. 

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cùng các đại biểu tham dự về nguồn, chụp ảnh lưu niệm tại khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cùng các đại biểu tham dự về nguồn, chụp ảnh lưu niệm tại khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Khi bọn giặc gọi đến tên mình, Hồ Thị Nghiêm giật phăng mảnh băng đen quân thù bịt mắt và thét lớn: "Tao có lý tưởng của tao, chứ không làm Việt gian bán nước như tụi bây". Máu từ trái tim người con kiên trung bất khuất Hồ Thị Nghiêm nhuộm đỏ mảnh đất cô nằm xuống. Cả Chi bộ xã Dương Tơ, Đảng bộ huyện Phú Quốc tiếc thương cô, học tập tấm gương hy sinh anh dũng của cô. 

Theo đề nghị của Đảng bộ huyện Phú Quốc và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, ngày 23/02/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 212/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm.

Tiếp tục kế thừa truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam và tấm gương kiên trung, bất khuất của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Hồ Thị Nghiêm, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và lao động, phát huy tài năng trí tuệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó có việc thực hiện mục tiêu kép "vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới", vận động cộng đồng xã hội thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ.

Bài và ảnh: Văn Dương
Ý kiến của bạn