Kiên Giang: Những ngư dân có trách nhiệm với biển, đảo quê hương

Địa phương
08:16 PM 29/02/2024

Những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. Qua đó, có nhiều ngư dân tích cực tham gia phong trào, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên vùng biển đảo yêu thương của tỉnh nhà.

Anh Nguyễn Cao Cường, ngư dân phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên, trong nhiều năm liền, tàu đánh cá của anh trước lúc ra khơi đều có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định. Anh chưa 1 lần vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, chưa từng vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản. Anh còn là 1 ngư dân tích cực tham gia các phong trào do đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên phát động, được chính quyền địa phương bầu làm tổ trưởng tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn.

Anh Nguyễn Cao Cường đang cùng với cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, thay lá cờ mới cho con tàu của mình trước lúc vươn khơi.

Anh Nguyễn Cao Cường đang cùng với cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, thay lá cờ mới cho con tàu của mình trước lúc vươn khơi.

Anh Cường chia sẻ, cho dù có khó khăn, đánh bắt được ít ăn ít, nhiều ăn nhiều, chứ tôi không bao giờ làm những chuyện trái pháp luật, nhất là không bao giờ vi phạm chủ quyền vùng biển các nước để đánh bắt trộm cá, tôm. Tôi luôn nhắc nhở anh em ngư phủ, tài công trong địa phương mình phải chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm chủ quyền các nước, nhất là không dùng chất độc, chất nổ, các ngư cụ bị cấm để khai thác hải sản…

Theo Đại úy Lê Doãn Hà Sơn - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết, địa bàn Trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài quản lý có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ, có nhiều ngư dân tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ ANTT bến bãi. 

Trong hàng trăm chủ tàu đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền, chống khai thác IUU, có ngư dân Nguyễn Cao Cường là tiêu biểu. Ngoài chấp hành đúng pháp luật, anh Cường còn hỗ trợ lực lượng Biên phòng về phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai, bão lũ. Tích cực tham gia tuyên truyền vận động ngư dân không vi phạm các quy định trong quá trình vươn khai đánh bắt hải sản.

Đến khu phố 3, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, khi hỏi về chú Danh Phú, một trong những ngư dân tiêu biểu trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì ai cũng biết. Hiện chú Phú là Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh TP. Phú Quốc, với hơn 30 năm tuổi Đảng, là chủ 1 doanh nghiệp nhỏ, chú Phú đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào, thực hiện tốt những quy định của địa phương. Là một trong những người cao tuổi, có uy tín trong tuyên truyền vận động ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài…

Ông Danh Phú hướng dẫn ngư dân tìm hiểu các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Ông Danh Phú hướng dẫn ngư dân tìm hiểu các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Thượng tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông chia sẻ, là 1 cựu chiến binh, người cao tuổi, người uy tín, chú Danh Phú luôn tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương và lực lượng Biên phòng phát động. 

Trong đó, phải kể đến việc chú là người đứng ra vận động các doanh nghiệp, chủ tàu, dùng tiền nhà của mình tham gia vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Được bà con tín nhiệm, chú đã giúp tiếng nói, cùng với lực lượng Biên phòng đứng ra tuyên truyền, vận động mọi người bài trừ tệ nạn xã hội, phát động toàn dân giữ gìn an ninh xóm, ấp, khu dân cư.

Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi Ủy ban Châu âu cảnh báo thẻ vàng đối với ngành Thủy sản nước ta, chú Phú đã phát huy tối đa vai trò của 1 người dân có trách nhiệm với biển, đảo quê hương. Theo đó, chú Phú đã hỗ trợ 2 tàu tham gia lực lượng Dân quân biển, 1 tàu cùng địa phương tham gia đội phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; 1 tàu cùng với lực lượng Biên phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật trên biển… 

Với cương vị là Tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn, Tổ đoàn kết trên biển, thành viên dân quân biển, chú đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật trên biển. Tích cực cùng với chính quyền, đoàn thể, BĐBP đứng ra tuyên truyền chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển các nước. Tuyên truyền các văn bản luật, Luật biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam. Dùng tiền nhà in hàng chục ngàn tờ rơi, mua hàng ngàn lá cờ, ảnh Bác để tặng cho ngư dân, kèm theo những lời động viên để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Còn đối với anh Bùi Tấn Lượng, ngư dân TP. Phú Quốc, hơn 20 năm làm nghề biển, anh hiểu vùng biển Tây như lòng bàn tay. Trong công việc hậu cần nghề cá, anh thường xuyên gặp gỡ các tàu đánh bắt hải sản ngoài khơi. Vì vậy, mỗi khi có việc cần tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân, chủ tàu, tài công… đang lao động trên biển, các lực lượng tìm đến nhờ anh tranh thủ thời gian tiếp cận các ghe, tàu mời bà con tham gia các cuộc họp. Không kể đêm mưa, giông bão, mỗi khi Bộ đội Biên phòng cần hỗ trợ phương tiện để đi thực thi nhiệm vụ, là anh Lượng sẵn sàng dùng tàu của mình và trực tiếp điều khiển phương tiện cùng với Biên phòng đi làm nhiệm vụ. Và cũng từ đó, anh được bà con, anh em Biên phòng xem anh là đôi mắt nơi biển khơi.

Anh Bùi Tấn Lượng phát tờ rơi, tuyên truyền về chống khai thác IUU đến ngư dân địa phương.

Anh Bùi Tấn Lượng phát tờ rơi, tuyên truyền về chống khai thác IUU đến ngư dân địa phương.

Không dừng lại ở đó, trong những năm gần đây, do ngư trường trong nước bị cạn kiệt, tình trạng ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước khai thác trộm hải sản tăng, đã dẫn đến việc Ủy ban Châu âu cảnh báo thể vàng. Không thể đứng nhìn cảnh bà con ta vì hám lợi mà vi phạm pháp luật, 1 lần nữa anh lại đứng ra chung tay, góp tiếng nói để cùng với lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. 

Anh đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để lực lượng Biên phòng in ấn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… tuyên truyền chống khai thác IUU. Phần anh thì tự đi mua ảnh Bác, cờ Tổ quốc để tặng bà con ngư dân, nhằm động viên mọi người trước lúc vươn khơi bám biển, đánh bắt đúng quy định.

"Việc tôi làm cũng bình thường thôi, nhà có ghe đi biển, thuận tiện cho việc gặp gỡ bà con để tuyên truyền pháp luật, nên Biên phòng nhờ hỗ trợ thì tôi sẵn sàng làm. Còn việc bỏ chút ít tiền mua cờ, ảnh Bác, hỗ trợ cơ quan chức năng in ấn tài liệu, tờ rơi… là việc cần làm. Vì theo tôi, mỗi khi bà con vươn khơi cần phải có kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức về chủ quyền, luật biển Việt Nam, không đánh bắt vi phạm vùng biển các nước. Tàu Việt Nam phải có treo cờ nước mình và trong Cabin phải có ảnh Bác Hồ…", anh Bùi Tấn Lượng, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc nói.

Qua trò chuyện cùng 3 ngư dân đang sinh sống ở các địa phương khác nhau trên địa bàn biển, đảo của tỉnh Kiên Giang, cho chúng ta thấy được tình yêu, trách nhiệm của ngư dân ta đối với quê hương, với biển đảo là rất lớn. Nhưng đối với họ, những gì mình đang làm là bình thường, không có gì đáng nói. 

Vì theo họ, nếu là người dân lớn lên từ biển, biển nuôi mình khôn lớn, mình phải có trách nhiệm với biển, đảo. Những gì đọng lại trong lòng của những người ngư dân miệt biển là các kỷ niệm đẹp với tháng năm bám biển, được góp một phần công, sức, chung tay cùng với các lực lượng, chính quyền bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.