Kiên Giang: Phác thảo tượng đài và phù điêu điểm tập kết 200 ngày đêm Vàm Chắc Băng
Chiều 4/11, UBND huyện Vĩnh Thuận tổ chức lấy ý kiến góp ý, bình chọn mẫu phác thảo tượng đài và phù điêu tại điểm di tích địa điểm tập kết 200 ngày đêm Vàm Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận.
Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhớ ơn đồng bào, chiến sĩ đã cưu mang, đùm bọc và theo nguyện vọng của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang mong muốn xây dựng tượng đài và phù hiệu tại điểm di tích địa điểm tập kết 200 ngày đêm - Vàm Chắc Băng, ghi nhận sự kiện lịch sử tổ chức đưa cán bộ tập kết ra miền Bắc theo thỏa thuận của Hiệp định Giơnevơ năm 1954; tái hiện lại hình ảnh của quân và dân tập kết tại Vàm Chắc Băng trong 200 ngày đêm, thể hiện tình cảm, tinh thần chiến đấu và niềm tin chiến thắng của quân và dân ta.
Thông qua đó, giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, nhất là về 200 ngày xây dựng hình mẫu của một xã hội mới trong tương lai sau khi hòa bình lập lại. Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là những nhân tố làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xây dựng tượng đài và phù điêu điểm tập kết 200 ngày đêm Vàm Chắc Băng, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận.
Bố cục tác phẩm VCB-2024-01 gồm 3 phần: Đài biểu tượng, tượng đài và phù điêu 2 mảng phía trước, sau. Trong đó, đài biểu tượng là hình khối cụm dừa nước đan xen với tán rừng tràm được cách điệu lược giản. Hình ảnh như biểu tượng tấm lòng Nhân dân che chở cho cách mạng. Phía trên là hình ảnh búa liềm tượng trưng cờ Đảng, ngôi sao 5 cánh tượng trưng cờ Tổ quốc với ý nghĩa thể hiện dưới sự sáng suốt chỉ đạo của Đảng, cuộc tập kết ra Bắc học tập về xây dựng miền Nam và đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước.
Phần tượng đài gồm các nhóm tượng đặt phía trước đài biểu tượng thể hiện không khí cuộc chia ly tại điểm tập kết. Phần phù điêu 2 mặt trước, sau gồm nhiều hình ảnh uốn lượn, nhấp nhô như dòng chảy của sông nước Chắc Băng ngày ấy, bây giờ… Khu di tích tập kết 200 ngày đêm Vàm Chắc Băng thuộc Cụm di tích lịch sử Căn cứ U Minh Thượng thuộc địa bàn 3 huyện An Biên - An Minh - Vĩnh Thuận. Khi di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Khu di tích cấp quốc gia ngày 28/6/1997.
Chắc Băng là con kênh thuộc 2 huyện: Thới Bình của tỉnh Cà Mau và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Kênh dài hơn 40 km nối liền từ ngã ba Sông Trẹm đến đầu Vàm Chắc Băng ra sông Cái Lớn. Trong 2 cuộc kháng, kênh Chắc Băng đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt. Hiện, nơi đây được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái...
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào năm 1954, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn làm điểm tập kết đưa lực lượng cách mạng miền Nam ra miền Bắc. Đó là các điểm: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại tỉnh Cà Mau có thời gian dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954 - 10/02/1955) và trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba Sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Đây là nơi chuyển quân tập kết lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà và quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Đảng ta chủ trương xây dựng khu tập kết này như một mô hình mẫu của chính quyền cách mạng, để đồng bào cảm nhận sự thay đổi tích cực của đời sống xã hội so với chế độ quốc gia giả biện của Pháp và tay sai. Từ đó, khơi dậy tinh thần đấu tranh gìn giữ những quyền lợi mà cách mạng đã mang lại cho Nhân dân trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Văn DươngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.