Kiên Giang: Phòng thuốc nam từ thiện – Lan tỏa giá trị nhân ái
Không chỉ được biết đến là Di tích lịch sử cấp quốc gia mà đền thờ Nguyễn Trung Trực còn được bà con thập phương quý mến vì hoạt động từ thiện giúp người.
- Cần Thơ: Xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội
- Kiên Giang: Nhiều hoạt động ý nghĩa ngày Tết Trung thu của Câu lạc bộ Nét bút xanh Kiên Giang
- Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên – Kiên Giang: Nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, giữ vững vai trò, đảm bảo an ninh – chính trị biên giới
- Kiên Giang: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa
- Đại hội TDTT Rạch Giá - Kiên Giang: Đội Bóng bàn P. Vĩnh Thanh Vân đoạt 5 Huy chương vàng
Đình thần Nguyễn Trung Trực hay đền thờ Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở phía Tây trung tâm thành phố Rạch Giá, là ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực sớm nhất và lớn nhất trong số 9 ngôi đền thờ ông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngôi mộ anh hùng Nguyễn Trung Trực cũng được đặt trong khuôn viên của đình.
Nguyễn Trung Trực (1837-1868) là người anh hùng dân tộc chống Pháp được người dân vùng đất Nam Bộ tôn vinh vào thế kỷ XIX. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh quán tại tỉnh Bình Định. Sau nhiều lần hải quân Pháp uy hiếp Đà Nẵng (từ năm 1858), gia đình ông theo đoàn người di cư phiêu bạt vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhựt, nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại đây, ông trở thành vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu của Nam Kỳ. Hai chiến công lừng lẫy của ông khiến cho giặc phải e dè khiếp sợ là đốt cháy tàu L' Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868.
Ngày 27/10/1868, Nguyễn Trung Trực hy sinh, trở thành tấm gương anh hùng bất khuất với câu nói bất hủ "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây".
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém tại chợ Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân (hay còn gọi là cá voi hay cá ông).
Hàng năm đến ngày mất của ông, nhân dân các nơi tụ tập về đây tổ chức lễ hội, thắp hương, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng vào các năm 1881-1964-1970, ngôi đền đã khang trang hơn. Đến năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận mộ và đền Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hóa.
Không chỉ được biết đến là di tích lịch sử cấp quốc gia mà Đền thờ Nguyễn Trung Trực còn được bà con thập phương quý mến vì hoạt động từ thiện giúp người. Tại đây có phòng thuốc nam chẩn đoán và cấp phát thuốc miễn phí của Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực được thành lập từ năm 1989. Trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn những ngày đầu, đến nay phòng thuốc vẫn giữ vững hoạt động và phát triển, giúp đỡ được nhiều người hơn, trở thành địa chỉ tin cậy được người dân khắp nơi quý mến.
Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Kiên Giang, chúng tôi có dịp đến tham quan Đền thờ Nguyễn Trung Trực và phòng thuốc nam miễn phí này. Từ phạm vi nhỏ bé ban đầu, đến nay có thể nói phòng thuốc nam của đình có quy mô lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự nỗ lực và tâm huyết không ngừng nghỉ của tất cả các thành viên cũng như tình nguyện viên làm việc và phụ việc cho phòng khám suốt hơn 30 năm qua. Từ sáng sớm, chúng tôi đã thấy có rất nhiều người dân đến lấy số và chờ khám bệnh, bốc thuốc tại phòng thuốc của đình.
Ông Phạm Minh Chiến - Trưởng Tiểu ban y tế của Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực chia sẻ: Mỗi năm phòng thuốc đã phát miễn phí cho bà con khoảng nửa triệu thang thuốc, châm cứu chữa bệnh cho trên 10.000 người. Và riêng Tiểu ban y tế trực tiếp tại đình có khoảng 140 người. Ngoài ra, để có được số lượng thuốc lớn như vậy nhờ sự hỗ trợ tình nguyện của các tổ sưu tầm thuốc ở khắp các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... và các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là những vị thuốc quý hiếm ở các hòn đảo của Kiên Giang. Nhờ vậy đình luôn đảm bảo có đủ các loại thuốc để phục vụ miễn phí cho bà con gần xa tới thăm khám và bốc thuốc".
Theo ông Chiến, trong kho thuốc dự phòng của đình, lúc nào cũng phải đảm bảo dự trữ hơn 10 tấn thuốc. Đặc biệt, tất cả các thành viên tại đây phát tâm làm công quả, hoàn toàn đều tự nguyện. Có những người đã gắn bó với phòng khám từ thiện của đình hơn mười năm nay.
"Tất cả hoạt động của cán bộ và lương y tại đây đều là hoạt động công ích không lương nhưng ai nấy đều rất nhiệt tình. Tuy nhiên, đình cũng trích một phần kinh phí hỗ trợ xăng xe đi lại cho các cán bộ tại đây nhưng không đáng kể, mỗi tháng chỉ khoảng vài trăm ngàn và 10 kg gạo cho mỗi người. Quan trọng nhất là tấm lòng họ dành cho công việc thiện nguyện này xuất phát từ tâm thiện" - Ông Phạm Minh Chiến chia sẻ.
Bình quân mỗi tháng, Tiểu ban y tế và đội ngũ cộng tác viên ở các địa phương thu nhận khoảng hơn 13 tấn thuốc tươi, có những năm cao điểm con số lên đến trên 200.000 tấn/năm. Ngoài ra, bà con sau khi đến khám chữa bệnh cũng quay lại, đóng góp với phòng thuốc bằng tấm lòng thiện nguyện sẻ chia.
Phần lớn bà con đến với phòng thuốc đều là những người nghèo, không đủ tiền để chạy chữa. Ông Phạm Minh Chiến tâm sự: "Ở đây, chúng tôi nhận được tình thương yêu của bà con nên họ cũng chung tay đóng góp hỗ trợ cho các hoạt động của phòng khám. Người góp của, người góp công, người vào làm thuốc phụ giúp. Chúng tôi mong muốn giúp cộng đồng việc thiện và được hồi đáp bằng những việc thiện thì không gì quý hơn".
Hiện nay, ngoài phòng thuốc nam khám và cấp thuốc miễn phí, Ban bảo vệ di tích còn đưa vào hoạt động thêm khoa châm cứu - điều trị vật lý trị liệu tác động cột sống. Tất cả kinh phí do đình và các nhà hảo tâm bỏ ra để mua thuốc cho bà con. 20 máy xung điện được Hội Nam y của tỉnh Vĩnh Long vận động hỗ trợ cho mượn thời gian đầu hoạt động.
Năm 2005, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ đón nhận thư khen của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi các lương y tại đình thờ Nguyễn Trung Trực. Bức thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương có đoạn: "Trong thực trạng chung hiện nay, nhiều cơ sở tín ngưỡng đang bị lợi dụng hành nghề mê tín dị đoan, sử dụng sai mục đích tiền công đức của khách thập phương, phục hồi lễ hội cổ thái quá gây tốn kém, lãng phí cho xã hội, thì mô hình quản lý di tích văn hóa - lịch sử kết hợp với khám chữa bệnh miễn phí tại đền Nguyễn Trung Trực là điển hình tốt, cần được các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp liên quan nghiên cứu phổ biến nhân rộng".
Trong dịp công tác này tại Kiên Giang, chúng tôi may mắn được tham quan, lắng nghe những chia sẻ và tâm huyết của các thành viên làm công quả tại đình. Với tấm lòng ngưỡng mộ và trân trọng, đoàn công tác của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin được đóng góp một phần nhỏ, cùng lan tỏa và nhân lên truyền thống tương thân tương ái. Hi vọng, phòng thuốc nam sẽ nhận được nhiều sự góp sức ủng hộ của cộng đồng, của những tấm lòng thiện nguyện, để nhiều người dân được chữa bệnh miễn phí, đảm bảo sức khỏe, từ đó có cơ hội cải thiện cuộc sống và cống hiến cho xã hội.
Lê DungTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.