Kiên Giang: Quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép

Địa phương
09:03 AM 04/08/2021

Trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tập trung toàn tâm, toàn lực, dùng mọi biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu cả trên bộ lẫn trên biển.

Kiên Giang: Quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép - Ảnh 1.

Đại tá Võ Văn Sử - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang.

Nhằm tìm hiểu thêm về các nội dung trên, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Võ Văn Sử - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Phóng viên: Thưa Đại tá Võ Văn Sử, xin ông cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên khu vực biên giới, vùng biển đã và đang được các lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang triển khai ra sao?

Đại tá Võ Văn Sử:

Tỉnh Kiên Giang có biên giới trên bộ dài 49,677 km, bờ biển dài hơn 200 km, tiếp giáp Campuchia, Thái Lan, Indonesia... Biên giới trên bộ là đồng bằng, đâu cũng là đường mòn, lối mở, một bước là có thể qua bên kia biên giới. Nhân dân 2 bên từ bao đời nay có mối quan hệ thân tộc, với thói quen qua lại thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa, thậm chí là canh tác chung một diện tích đất giáp biên. Còn trên biển thì ngư dân 2 bên đánh bắt trong vùng nước lịch sử theo truyền thống.

Kiên Giang: Quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép - Ảnh 2.

Đại tá Võ Văn Sử thăm, kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 trên tuyến Biên giới Hà Tiên.

Từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang được chỉ đạo hạn chế việc qua lại biên giới, tránh lây lan dịch bệnh vào cộng đồng. Sau đó, là cấm hoàn toàn mọi hoạt động qua lại tại các trạm kiểm soát, cửa khẩu phụ, cảng biển… chỉ duy nhất cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên mới được tổ chức tiếp nhận người, giao thương hàng hóa, nhưng cũng rất hạn chế. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh phía bên kia biên giới, rất đông bà con ta đang làm ăn bên Campuchia trở về nước tránh dịch. Trong đó có không ít người vì thiếu giấy tờ, không muốn cách ly y tế nên tìm mọi cách nhập cảnh trái phép.

Trước thực trạng trên, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, dựng hàng loạt tổ, chốt trên tuyến biên giới, bờ biển nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Cho đến hôm nay, trên 3 tuyến: Biên giới trên bộ, biển, đảo, chúng tôi đã lập 144 chốt cố định, 24 tổ cơ động, 13 tàu, 2 xuồng cao tốc. Huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng các lực lượng thường trực 24/24 giờ trên mọi vị trí. 

Các đơn vị đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 80 vụ, 295 công dân xuất, nhập cảnh trái phép. Tại cửa khẩu Quốc tế, các lực lượng đã làm thủ tục, đưa đi cách ly y tế cho hơn 6.000 công dân Việt Nam và một số quốc gia khác đến từ vùng dịch. Với những nỗ lực như vậy, cho đến hôm nay qua gần 2 năm, trên các địa bàn do lực lượng Biên phòng Kiên Giang quản lý đã không để xảy ra bất kỳ một vụ nhập cảnh trái phép nào mang mầm bệnh vào nội địa.

Kiên Giang: Quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép - Ảnh 3.

Các lực lượng trực đêm trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép vào địa bàn.

Phóng viên: Như Chỉ huy trưởng đã nói, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã làm rất tốt công tác ngăn chặn xuất nhập cảnh, tham gia dập dịch. Nhưng theo chúng tôi được biết từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng buôn lậu, nhất là mặt hàng thuốc lá điếu tăng về số vụ, ít bắt được đối tượng. Xin Đại tá Võ Văn Sử cho biết về vấn đề này là như thế nào?

Đại tá Võ Văn Sử:

Đúng là trong thời gian gần đây số vụ vận chuyển hàng lậu, mà chủ yếu là thuốc lá điếu từ bên kia biên giới vào địa bàn có tăng về số vụ. Có những đêm, một đơn vị liên tục bắt 3 vụ buôn lậu, có những đơn vị đêm nào cũng bắt ít nhất là 1 vụ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là lực lượng BĐBP của chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, dựng chốt ăn ở, làm nhiệm vụ 24/24 giờ trên dọc dài biên giới, vùng biển, đảo. Nên đã kiểm soát được gần như toàn bộ mọi hoạt động qua lại biên giới, cả trên bộ lẫn trên biển. Càng kiểm soát chặt, thì lại càng kịp thời phát hiện, bắt giữ mọi hoạt động tội phạm, trong đó có buôn lậu.

Khi chúng ta siết chặt quản lý biên giới, bắt giữ hàng lậu, thì giá thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong địa bàn tăng cao, nên các đối tượng nghĩ ra nhiều thủ đoạn, thay đổi phương thức hoạt động nhằm qua mặt lực lượng ta. Trong rất nhiều phương thức, thủ đoạn thì có một cách thường làm đó là xé lẻ hàng ra để vận chuyển. Đề phòng nếu bị bắt thì mất không nhiều, dễ dàng tẩu thoát khi bị truy bắt. Chính vì thế, thời gian gần đây số vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu tăng về số vụ. 

Ngoài ra, chúng tôi không phủ nhận, loại trừ tình trạng trước đây khi chưa triển khai kiểm soát, chốt chặn cả ngày, đêm nên vẫn còn để lọt các vụ vận chuyển hàng lậu vào địa bàn. Còn về nguyên nhân ít bắt được đối tượng là do trong tình hình dịch bệnh, chúng tôi có chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ phải hết sức thận trọng trong tổ chức đánh bắt. Đặt việc an toàn vệ sinh dịch tễ lên hàng đầu, tuân thủ các quy định 5K của Bộ Y tế trong khi tiếp cận đối tượng.

Kiên Giang: Quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép - Ảnh 4.

Lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát trên vùng biển.

Trong khi các quy định của quy trình đánh bắt đối tượng trong khi dịch bệnh bùng phát chưa được cấp trên chỉ đạo cụ thể. Điều này làm cho lực lượng làm nhiệm vụ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như là chưa thể mạnh dạn tấn công vây bắt tội phạm. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã bắt trên 100 vụ buôn lậu, nhiều đối tượng, tịch thu trên 300.000 gói thuốc lá, cùng 12 vụ vận chuyển, mua bán trái phép, tịch thu hơn 400.000 lít dầu D.O, cùng nhiều hàng hóa khác.

Phóng viên: Thưa Chỉ huy trưởng, từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu diễn biến khó lường. Để ngăn chặn triệt để vấn đề này, phía BĐBP tỉnh Kiên Giang có biện pháp gì?

Đại tá Võ Văn Sử:

Chúng tôi đang tiếp tục củng cố lại nơi ăn, ở, dựng thêm nhiều chốt, nhiều bốt gác phụ, nối ngắn các vị trí gác, rút ngắn tối đa tầm quan sát cả vào ban đêm. Cấp phát thêm vật dụng, phương tiện, công cụ hỗ trợ, tăng cường quân số cho các chốt để anh em làm việc lâu dài. Tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại với các lực lượng nước bạn đối diện. Kịp thời, thông tin tình hình vùng biên, trao đổi bằng điện đàm, công văn… bàn những biện pháp xử lý tốt các vụ việc có liên quan đến xuất, nhập cảnh và buôn lậu. 

Thậm chí, chúng tôi còn tổ chức các cuộc tuần tra chung trên tinh thần tuân thủ 5K để cùng bàn bạc, giải quyết các vụ việc được tốt hơn. Làm tốt công tác bám, nắm địa bàn, đấu tranh, kết hợp tuyên truyền, vận động, kết hợp tổ chức đánh bắt hiệu quả, an toàn. Hối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tăng cường công tác vận động quần chúng, làm cho mọi người dân vùng biển, ngư dân hiểu tích cực tham gia phong trào: "Toàn dân tố giác tội phạm", "Không làm ngơ, tiếp tay cho buôn lậu, không chứa chấp, che dấu người xuất nhập cảnh trái phép".

Cán bộ chốt liên ngành 05 trên đường tuần tra trên tuyến biên giới.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của tội phạm. Tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác, làm lọt đối tượng, hàng lậu vào địa bàn. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu (nếu có). Phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, tung tin bôi nhọ, tạo dư luận không tốt về cán bộ đang làm nhiệm vụ, ảnh hưởng đến các lực lượng. Làm tốt công tác tuyên truyền về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời…

Xin cảm ơn Đại tá!

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.