Kiên Giang: Sức sống mới ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận trong công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới
Trải qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều tiêu chí ngày càng nâng cao, khó hoàn thành hơn trước.
Song cho đến tháng 11/2021, toàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Diện mạo đô thị trung tâm huyện ngày càng khởi sắc; những công trình giao thông nông thôn, hạ tầng được đầu tư mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện... đã tạo ra một sức sống mới cho huyện vùng sâu thêm xung lực vươn mình phát triển.
Vĩnh Thuận - 10 năm, một chặng đường vươn mình, vượt khó
Vĩnh Thuận là huyện thuần nông có 8 xã, thị trấn; diện tích tự nhiên gần 395 km²; dân số có 2.790 hộ, với hơn 82.620 người, gồm 3 dân tộc sinh sống đan xen là Kinh, Hoa, Khmer. Vĩnh Thuận là huyện vùng xa của tỉnh Kiên Giang, xuất phát điểm đi lên xây dựng NTM của huyện còn thấp, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường...
Bình quân số tiêu chí cấp xã đạt được trước khi triển khai Chương trình là 8,1/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2010 là 21,681 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn (14,95%), cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển.
Trước thách thức từ thực tế đó, công tác vận động, tuyên truyền để các địa phương trong toàn huyện phát huy nguồn lực tại chỗ, được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhờ các kênh thông tin, công tác dân vận, nhân dân ở hầu hết các xã, thị trấn đều nắm được những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng huyện NTM.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Vĩnh Thuận đã xác định cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện, trong đó sản phẩm chủ lực của huyện là con tôm và cây lúa.
Từ đó việc chỉ đạo sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; xác định vùng sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bố trí hợp lý các loại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng.
Năm 2020, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 5.752 tỷ đồng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 36.389,5 ha. Giá trị bình quân 158 triệu đồng/ha, thu nhập sản xuất nông nghiệp bình quân 393 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó, quan tâm phát triển xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá. Đi liền với đó là trình độ dân trí phải được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững. Từ những mục tiêu cụ thể, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, ngành trong huyện Vĩnh Thuận đã vào cuộc một cách tích cực; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đến các tầng lớp nhân dân, từ đó đi đến thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm thực hiện.
Bằng sự năng động, quyết liệt và nỗ lực của các cấp chính quyền gắn với sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, người dân đã tạo nên phong trào thi đua xây dựng NTM rộng khắp trên toàn huyện. Trong giai đoạn 2011 - 2020, huyện Vĩnh Thuận đã huy động trong dân được 42.000 ngày công, trên 300.000 m2 đất và trên 220 tỷ đồng… xây dựng NTM. Nhờ vậy, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng.
Đến nay, 100% tuyến đường giao thông nông thôn trong toàn huyện đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối từ trung tâm huyện đến các khu hành chính các xã. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,53%.
Huy động mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Đủ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, với nền tảng là người dân, nòng cốt cũng là người dân, công cuộc xây dựng NTM của Vĩnh Thuận đã vượt qua nhiều thách thức và đang đi đúng hướng, đến nay đã trải qua 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Vĩnh Thuận đã cán đích huyện NTM.
Thành công của phong trào xây dựng NTM ở Vĩnh Thuận không chỉ biểu hiện ở việc đề ra các chủ trương, đường lối phát triển đúng đắn mà còn ở sức lan tỏa của các chủ trương, đường lối ấy đến toàn bộ người dân ở các xã vùng sâu của huyện, biến mỗi người dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận xây dựng NTM với tinh thần quyết không lùi bước trước những khó khăn.
Bác Hồ đã từng dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, Vĩnh Thuận đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động toàn dân tham gia với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ".
Nếu như trước đây trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM có một số nội dung tưởng chừng như chỉ do một số ban ngành, đơn vị đơn độc thực hiện; đến nay phải có sự tham gia của người dân. Trong xây dựng hạ tầng, người dân bàn những công trình hạ tầng nào đưa vào xây dựng trước phục vụ cho đời sống dân sinh.
Mặt khác, tham gia giám sát công trình trong quá trình thi công. Hoặc là trong phát triển sản xuất, thông qua chính sách của huyện giúp bà con định hướng mục tiêu sản xuất có sự tham gia hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật của các cơ quan liên quan... Thông qua minh bạch hóa các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đã huy động sức dân trong xây dựng NTM.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Vĩnh Thuận đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia xây dựng NTM. Làm tốt công tác vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn cũng như những người con của quê hương đang sinh sống làm việc ở các tỉnh cùng góp sức.
Trong giai đoạn 2011-2020, Vĩnh Thuận đã vận dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn huy động nhân dân đóng góp để xây dựng NTM, với tổng kinh phí thực hiện trên 3.325 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương trên 118 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 717 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 321 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 608 tỷ đồng, vốn vay tín dụng trên 1.092 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp trên 206 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 220 tỷ đồng và vốn huy động khác trên 39 tỷ đồng. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, các công trình, dự án triển khai đều có kế hoạch bố trí, phân bổ vốn đảm bảo theo quy định.
Vĩnh Thuận vươn mình khởi sắc với những định hướng lớn
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Vĩnh Thuận đã có diện mạo mới với những kết quả ấn tượng. Những tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, cứng hóa không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn thúc đẩy giao thương, tiêu thụ nông sản của người dân một cách dễ dàng. Cùng với đó là hạ tầng, về: điện đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện, tính đến năm 2020, Vĩnh Thuận có 100% đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, trong đó có 86,37% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,6 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 576 hộ (chiếm 2,53%), giảm 12,42% so với trước khi thực hiện NTM (năm 2010 là 14,95%), hệ thống điện tại các xã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện… Đến nay, huyện Vĩnh Thuận đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và dự kiến sẽ được công bố đạt chuẩn NTM trong thời gian sắp tới.
Ông Võ Thanh Xuân - Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận cho biết, với tinh thần "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", chặng đường 10 năm Vĩnh Thuận thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã huy động được tối đa nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng của mỗi người dân nông thôn trong việc chung tay xây dựng quê hương. Thực tế cho thấy chương trình xây dựng NTM thực sự đã đem lại luồng sinh khí mới đến mọi miền quê ở Vĩnh Thuận.
Với tổng huy động nguồn lực thực hiện trên 3.325 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp đóng góp trên 206 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 220 tỷ đồng cho xây dựng NTM, đến nay có 7/7 xã đạt chuẩn NTM, thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại V.
Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; việc tu sửa, phát dọn đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực nên cho năng suất cao, chất lượng tốt; chính sách đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu.
Thời gian tới, Vĩnh Thuận tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí xã, huyện NTM theo tiêu chí hiện hành. Xây dựng NTM huyện Vĩnh Thuận có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản, đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao giá trị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; phát huy tốt quy hoạch vùng huyện, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - du lịch; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Huyện Vĩnh Thuận phấn đấu đến năm 2025 có 7/7 xã đạt chuẩn nâng cao và có ít nhất 1 xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định hiện hành. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận thực hiện tốt hơn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiến tới huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Văn DươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.