Kiên Giang: Tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi tàu cá khai thác trộm hải sản vùng biển nước ngoài

Địa phương
06:28 PM 19/09/2021

Được đánh giá là vùng biển rộng, có trữ lượng thủy sản dồi dào, điều kiện khí hậu, thời tiết khá thuận lợi cho đánh bắt cả 4 mùa, vùng biển Kiên Giang luôn thu hút số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ đến hoạt động và trở thành vùng biển nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, nơi đây cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, trong đó phổ biến nhất là tình trạng tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ với nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến người dân không khỏi bất an.

Ông LVL, ngụ khu phố 7, phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá có thâm niên hơn 20 năm làm ngư phủ. Từ khi vùng biển tỉnh Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung cạn kiệt nguồn lợi hải sản do đánh bắt theo kiểu hủy diệt, ông L. và nhiều ngư dân khác buộc phải theo tàu của chủ lén lút sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật. Đã nhiều lần tàu của ông chứng kiến tàu ngư dân ta bị lực lượng bảo vệ biển nước ngoài truy đuổi, ông vô cùng hoảng sợ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài và trao cờ, ảnh Bác động viên bà con ra khơi an toàn, đúng pháp luật.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài và trao cờ, ảnh Bác động viên bà con ra khơi an toàn, đúng pháp luật.

Từ khi được cán bộ Biên phòng địa bàn nơi ông sinh sống thường lui tới tuyên truyền, vận động, chỉ ra tác hại, sự nguy hiểm của hành vi vi phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật, ông bán tàu, chuyển sang nghề chạy đò dọc nuôi vợ con. Ngư dân LVL. cho biết, trước đây biển của mình nhiều cá tôm, có ai mà đi ra vùng biển nước ngoài đánh làm gì. Nhưng do ngư dân ta khai thác đủ kiểu hết. Nào là đánh xung điện, thuốc nổ, đủ thứ hủy diệt hết… nên cá, tôm cạn kiệt, nên phải lén lút sang nước ngoài mà đánh bắt trộm của người ta…

Trường hợp của ông LVL chỉ là 1 trong hàng trăm trăm vụ việc ngư dân Kiên Giang do vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật. Còn nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ dẫn đến tán gia, bại sản. Ủy ban châu Âu EU đã cảnh báo thẻ vàng đối với ngành thủy sản nước ta về "chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định". Nếu không khắc phục được tình trạng trên, thì đồng nghĩa với 1 thẻ đỏ, EC sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam, trong đó ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.

Trong lúc này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc. Với trọng trách bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con ngư dân, bảo vệ ngư trường, bảo vệ luật pháp và thực hiện các công ước Quốc tế. Lực lượng Biên phòng Kiên Giang đã triển khai và thực hiện đồng bộ Đề án: "Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, biển đảo" giai đoạn 2017 - 2021. Đề án này chính là điểm tựa, là niềm tin, là cơ sở pháp lý để mỗi cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật trên biển, cũng là hành trang đồng hành cùng ngư dân Kiên Giang vươn khơi bám biển.

Bà Lư Trang Đài - phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đánh giá, trong thời gian qua, lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc rất quyết liệt. Với nhiều biện pháp, nhiều cách làm nhằm giảm thiểu tối đã tình trạng tàu cá tỉnh nhà đi khai thác trộm ở vùng biển nước ngoài. Các đơn vị Biên phòng của tỉnh đã phối hợp với địa phương, triển khai hiệu quả đề án tăng cường giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Qua cách làm thường xuyên, liên tục thay đổi hình thức, đổi mới nội dung tuyên truyền. 

Từ đó, đã làm cho mỗi chủ tàu, tài công, ngư dân thay đổi nhận thức, thấy được tác hại của việc đánh bắt vi phạm chủ quyền. Qua đó, hạn chế được tình trạng vi phạm vùng biển, đồng thời ngư dân trở thành cầu nối đứng ra ngăn cản chủ tàu, tài công đưa tàu sang vùng biển các nước đánh bắt. Đồng thời, thông tin cho lực lượng chức năng biết về hành vi sai trái này mà có hướng xử lý kịp thời.

Riêng Kiên Giang có lượng tàu cá nhiều nhất cả nước, vùng biển rộng, tiếp giáp vùng biển nhiều nước. Trong những năm qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật đến từng chủ tàu, tài công và ngư dân. Thường xuyên đổi mới cách làm, làm thường xuyên theo dạng mưa dầm, thấm lâu. Các đồn Biên phòng phân công nhiều tổ công tác, tổ chức họp dân tại các xóm dân cư ven biển, trên các tàu cá, lồng bè. Lên tàu tuyên truyền trực tiếp đến các ngư dân, cho tài công, chủ phương tiện đang neo đậu trên vùng biển phụ trách. 

Cứ như thế, mỗi tổ công tác hàng tuần đã truyền tải được nhiều nội dung, nhiều văn bản luật đến bà con. Từ đó, nhận thức về chủ quyền, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân nói riêng, quần chúng nhân dân đang sống trên các đảo nói chung được nâng lên rõ nét. Đồng thời, phối hợp với các ngành: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm Ngư, Công ty khí điện đạm Cà Mau, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền bảo vệ tài nguyên biển, không vi phạm ngư trường, bến bãi, không đánh bắt vi phạm quy định của ngành Hải sản.

Ông Võ Ngọc Thu - Chủ tàu Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất chia sẻ, tôi thấy việc anh em Biên phòng tuyên truyền không cho tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt là hoàn toàn đúng. Bản thân tôi cũng thường xuyên bảo ban tài công và ngư phủ của mình cứ khai thác trên vùng biển của Việt Nam, có ít ăn ít, chứ tuyệt đối không được cho tàu đi khai thác trộm hải sản của người ta. Vừa vi phạm pháp luật, bị bắt, phạt vạ, còn ảnh hưởng đến uy tín của nước mình.

Đại tá Võ Văn Sử - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, cùng với tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tổ chức cho các chủ phương tiện và ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước. Bộ đội Biên phòng quản lý chặt chẽ các loại tàu thuyền thông qua lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa. Chỉ đạo các đơn vị tiến hành thu hồi giấy phép khai thác, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm những quy định của liên minh châu Âu lên báo, đài. Tổ chức in tờ rơi, bản đồ các vùng biển, tài liệu hướng dẫn tàu cá, ngư dân nhận biết và phân định rõ ranh giới vùng biển. Phối hợp với lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tàu thuyền của ta vi phạm vùng biển các nước.

Đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức điều tra xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng, có hành vi móc nối, cố tình vi phạm, tái vi phạm đưa tàu cá Việt Nam sang vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép. Đã cùng với các phòng nghiệp vụ của ngành Thủy sản, Tư pháp, Công an các huyện, thành phố lập kế hoạch điều tra, theo dõi, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu, thuyền và ngư dân của ta ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật, nhất là Luật thủy sản. Thường xuyên quản lý chặt chẽ việc lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh của các tàu cá. Không cấp giấy phép hoạt động, không cho ra khơi đối với các phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thời gian tới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở ngoại vụ… tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý nghề cá trên biển. Kịp thời thu thập thông tin tình hình ngư dân bị nước ngoài bắt, xử lý để cùng các lực lượng nhanh chóng xác minh, giải quyết không để phức tạp, kéo dài. Đặc biệt cần tham mưu thúc đẩy quá trình đàm phán phân định vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với các nước.

Buổi tuyên truyền pháp luật trên tàu cá cho ngư dân của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang.

Buổi tuyên truyền pháp luật trên tàu cá cho ngư dân của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương, tăng cường viết tin, bài, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên báo, đài trung ương và địa phương. Quy định của các nước có vùng biển tiếp giáp với Việt Nam. Phản ánh gương người tốt, việc tốt, đồng thời đấu tranh phê phán những tàu thuyền, ngư dân vi phạm vùng biển các nước. Động viên ngư dân ra khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Góp phần ngăn chặn tàu cá, ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.


CHÚ THÍCH ẢNH

Ảnh: 01

Ảnh: 02, 04

Ảnh: 03

Văn Dương - Tiến Vinh
Ý kiến của bạn
VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.