Kiên Giang: Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà chuyên cần cho việc nuôi quân
Trên 28 năm gắn bó với nghề nuôi quân, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà nhiều năm liền được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến, được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen cán bộ Hội Phụ nữ giỏi 5 năm liền.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà là Tiểu đội trưởng, kiêm kỹ thuật viên nấu ăn, thuộc bếp ăn cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang. Xác định nuôi quân là nghề "làm dâu trăm họ" mà chị đã chọn cũng giống như những người làm công tác nuôi quân trong Quân đội, vì vậy đòi hỏi người nuôi quân phải có tâm, có trách nhiệm và say mê với nghề nghiệp. Từ suy nghĩ đó, chị Hà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, tích cực tự học tập, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Tổ nuôi quân chỉ có một mình chị Hà là nữ, còn lại 2 chiến sĩ giúp việc chế biến, quét dọn. Hằng ngày, chị vừa đảm nhiệm quản lý chiến sĩ, vừa làm tiếp phẩm và trực tiếp lo "cơm ngon, canh ngọt" hơn 60 suất ăn. Để bộ đội ăn ngon, từ sáng sớm chị đã đi chợ mua thực phẩm. Không chỉ đơn giản là nấu ngày 3 bữa ăn, hay đi chợ mua thực phẩm, mà chị muốn mỗi bữa cơm phải đảm bảo khẩu phần, định lượng và chất lượng dinh dưỡng. Từ đó chị chủ động liên hệ với các đại lý, các hộ mua bán để tìm nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng bữa ăn.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà chia sẻ, nghề "làm dâu trăm họ" này kể cũng khó. Muốn thay đổi món ăn mới cũng phải cân nhắc xem có hợp khẩu vị các chiến sĩ không. Nhiều hôm chị phải mua thực phẩm về làm thử ở nhà để cả gia đình góp ý rồi sau đó mới áp dụng ở đơn vị. Hay khi giá cả thị trường biến động, bếp phải tính toán với cùng số tiền đó mà cán bộ, chiến sĩ vẫn ăn ngon và đảm bảo chất. Ngoài nhiệm vụ chế biến các món ăn hợp khẩu vị, chị còn vận động anh em trong tổ nuôi quân tích cực cùng cán bộ, nhân viên đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng thêm rau, củ, quả để có thêm thực phẩm đưa vào bữa ăn...
Hàng ngày tranh thủ thời gian rảnh, chị cùng 2 chiến sĩ trong tổ nuôi quân còn tận dụng tối đa diện tích đất trống trong khuôn viên đơn vị để trồng các loại rau. Theo đó, trong đơn vị ai cũng biết và khen chị Hà "mát tay" trong trồng trọt, chăm sóc vườn rau.
Bên cạnh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị còn là hội viên Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Tuy tuổi đã lớn, nhưng chị vẫn tích cực cùng Ban chấp hành Hội tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ chỉ huy tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như xây dựng quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, mẹ đỡ đầu, mái ấm phụ nữ biên cương, góp vốn xoay vòng… giúp hội viên đơn vị và đồng bào nghèo vùng biên có cuộc sống tốt hơn.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, năm 1995, chị được tuyển dụng vào làm công nhân viên quốc phòng, kỹ thuật viên nấu ăn, thuộc bếp ăn Hải đoàn 28 Biên phòng. Đến năm 2021, chị chuyển về làm tại bếp ăn cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến nay.
Do công việc đặc thù nhiệm vụ nuôi quân là đi sớm về trễ nên ít có thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Mấy năm đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng dần cũng quen, mọi việc đều sắp xếp ổn thỏa. Đôi lúc cũng chạnh lòng khi nghe anh em chê, khen bữa cơm. Mỗi lần như vậy tôi chỉ biết cười hiền và ân cần giải thích để anh em thông cảm. Đến nay bản thân thấy công việc này khá bình thường và cảm thấy vui, hạnh phúc vì nó đã mang lại những bữa cơm ngon, canh ngọt... để anh em có sức khỏe, yên tâm công tác…
Thượng tá Nguyễn Trung Thành - Chánh văn phòng BĐBP tỉnh Kiên Giang nhận xét, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà là cán bộ có đức tính cẩn thận, chăm chỉ, nhiệt tình trong công việc. Đặc biệt rất có trách nhiệm, rõ ràng trong nhiệm vụ tiếp phẩm, mua thực phẩm phục vụ bếp ăn. Thường xuyên thay đổi món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Mỗi bữa ăn đều đảm bảo 3 món, có xoay vòng, có cất mẫu thức ăn để kiểm định và luôn công khai, minh bạch tài chính hàng ngày trước toàn đơn vị.
Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.