Kiên Giang: Thực hiện tốt công tác phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Địa phương
03:49 PM 25/07/2023

Ngày 25/7, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tổ chức sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình góp phần phát triển KT-XH các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc phát huy nguồn lực của người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc.

Đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5-1,5%/năm; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ sở kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. 

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Cụ thể, tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023 được phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là 446 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 là 314 tỷ đồng (NSTW 273 tỷ đồng, ngân sách địa phương 41 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 2021-2023 là 131 tỷ đồng (NSTW trên 114 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 17 tỷ đồng). 

Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức cho vay về nhà ở, đất ở và chuyển đổi ngành nghề cho 61 đối tượng là hộ nghèo với kinh phí trên 3,4 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình lũy kế đến tháng 30/6 đã giải ngân được 29 tỷ đồng/284 tỷ đồng đạt tỷ lệ 10,21%.

Theo đó, có 12/21 mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, gồm: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 0,4%/năm, 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông, 70% ấp, khu phố có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 88% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị.

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị.

Học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 95%, học trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt 90, người từ 15-60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 88%. Trên 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS, 50% ấp, khu phố có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; triển khai hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 472 hộ, nâng cấp, mở rộng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí thực hiện trên 74 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chúc Tết Chôl Chnăm Thmây chùa Chắc Băng Mới nhân dịp Tết cổ truyền đồng bào Khmer năm 2023.

Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chúc Tết Chôl Chnăm Thmây chùa Chắc Băng Mới nhân dịp Tết cổ truyền đồng bào Khmer năm 2023.

Trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (Tiểu dự án 1 thuộc dự án 3), hiện Sở NN&PTNT tỉnh đang xây dựng kế hoạch trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ với kinh phí thực hiện là 714 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS (Tiểu dự án 2 thuộc dự án 3) với kinh phí thực hiện trên 4,2 tỷ đồng, đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế - mô hình chăn nuôi heo cho 4 hộ; tổ chức 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS cho 50 lượt thanh niên tham dự; 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh (Lớp dạy nghề đan cỏ bàng) tại huyện Giang Thành. 

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS (Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4), được phân bổ kinh phí trên 79 tỷ đồng, hiện nay đang lập dự án, chuẩn bị triển khai xây dựng mới, mở rộng 33 công trình tuyến đường giao thông 46.4km đường và cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS, 13 cầu GTNT…

Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025

Với kết quả đạt được khả quan trong 3 năm qua, tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 0,4%/năm; phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% ấp, khu phố có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Trong giai đoạn 2023-2026, phấn đấu có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS.

Trong giai đoạn 2023-2026, Kiên Giang phấn đấu có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS.

Phấn đấu 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 88% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngoài ra, Kiên Giang sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS cho giai đoạn 2023-2025. Phấn đấu tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99%, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 95%, học THCS đi học đúng độ tuổi đạt 90%, học THPT đi học đúng độ tuổi đạt 60%; người từ 15-60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 88%. 

Bên cạnh đó, 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT. Trên 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10%.

Đồng thời, trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS; Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Song song đó, tỉnh Kiên Giang sẽ đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Ông Phạm Văn Lệ - Chủ tịch Công đoàn bộ phận, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện U Minh Thượng - Kiên Giang II bàn giao nhà Đại Đoàn kết cho bà Thị Đời.

Ông Phạm Văn Lệ - Chủ tịch Công đoàn bộ phận, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện U Minh Thượng - Kiên Giang II bàn giao nhà Đại Đoàn kết cho bà Thị Đời.

Nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn được cấp. Thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu của chính sách đã ban hành; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý; triển khai công tác tập huấn cập nhật kiến thức, nội dung mới của các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trực tiếp triển khai thực hiện. 

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân trong vùng đồng bào DTTS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, đúng quy định.


Văn Dương
Ý kiến của bạn