Kiên Giang: Tình cảm quân - dân trong đại dịch COVID-19
Ròng rã suốt gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp cả nước, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Cả hệ thống chính trị chung tay, vào cuộc cùng phòng, chống dịch. Nòng cốt là các lực lượng vũ trang như: Biên phòng, Công an, Quân đội… và trong muôn vàn khó khăn vất vả ấy, tình cảm quân dân, tình hậu phương quân đội đã trỗi dậy mạnh mẽ.
Hiện nay, ngoài các chế độ do lãnh đạo, chỉ huy từ Trung ương đến địa phương cấp phát cho các chốt chống dịch, phía Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận tiền, hàng hóa của rất nhiều đoàn từ thiện. Nhận hỗ trợ tiền mặt hơn 50 triệu đồng, trong đó không thể thống kê hết số tiền, quà các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thăm, trao tận tay cho anh em trên các chốt. Đơn vị còn tiếp nhận hàng chục ngàn thùng mỳ tôm, các loại nước đóng chai, các loại đồ hộp, tiếp nhận nhiều vỏ máy, bồn chứa nước, các thiết bị thắp sáng, làm mát… cùng nhiều thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch của Bộ đội.
Đại tá Huỳnh Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Trên tinh thần "một miếng khi đói, bằng một gói khi no", Đảng ủy - Bộ chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vô cùng trân trọng tấm lòng của các đoàn thiện nguyện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Đơn vị đã lập danh sách, có kế hoạch cấp phát cụ thể cho từng tổ, chốt. Mong muốn các hàng, quà, nhu yếu phẩm các đoàn tặng đến tay anh em nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất, tránh nơi này thừa, chỗ khác thiếu. Đây là những vật dụng cần và là nguồn động viên tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh để đơn vị chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, chiến thắng dịch bệnh.
Ngoài những tình cảm, hàng hóa, quà gửi về, các chiến sĩ trên chốt liên ngành còn nhận được rất nhiều tình thương, sự che chở, đùm bọc, giúp vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên. Bà con nơi các anh dựng chốt đã không tiếc cơm, nước, thuốc men, chăn màn giúp cho anh em no lòng khi đói, ấm thân lúc đêm mưa.
Cô Thy Thị Phấn, ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành cho biết: "Từ ngày tụi nó lên đóng chốt gia đình tôi và bà con quanh đây vui lắm, có gì tụi nó cũng làm tiếp. Tôi thương tụi nó, không xin gì, không phiền hà gì bà con. Dân gần chốt cho cái gì cũng không chịu lấy, cho cái gì cũng mang trả lại. Thương nhất là đêm hôm mưa gió, mũi mòng, rồi đi tuần thì bị vắt cắn. Buổi trưa được ngủ nghỉ một chút mà nắng nóng, tội lắm. Bà con kêu anh em ngoài chốt vào nhà có mái lá nghỉ ngơi cho mát, mà tụi nó sợ phiền hà, với lại còn phải trực, nên không đứa nào vào. Bà con ở đây nói với nhau giúp tụi nhỏ được cái gì thì giúp, cho tụi nó yên tâm chống dịch…".
Không chỉ có đến trao, nhận quà cho các đơn vị, nhiều đoàn thiện nguyện, các ni sư, nhà hảo tâm tuổi đã cao, vẫn muốn đến tận những điểm chốt xa nhất, khó khăn nhất để được cảm nhận hết những khó khăn của các chiến sĩ nơi đây. Và cứ sau mỗi lần đến như vậy, thấy được những thiệt thòi, thiếu thốn về vật chất, lẫn tinh thần của Bộ đội trên chốt, các nhà hảo tâm đã tiếp tục đứng ra vận động thêm vật dụng thiết yếu để chuyển sớm nhất đến các chiến sĩ.
Mới đây, ni sư Thích nữ Dịu Hoa - Trụ trì chùa Kỳ Quang, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, sau khi đến biên giới huyện Giang Thành, tặng vỏ máy, bồn chứa nước, tiền mặt cho các chốt. Thích nữ đã bất chấp thời tiết, đội mưa vào các chốt với chiến sĩ ngoài biên giới.
Thích nữ Dịu Hoa nói trong nước mắt: "Có đi, rồi đến như thế này mới thấy, rồi thương cho con em mình phải sinh sống, làm nhiệm vụ trên các chốt chống dịch. Người dân thành phố làm sao mà hiểu được cuộc sống của họ, 5, 6 con người sống, làm việc trong một chốt nhỏ, mái tôn, hoặc trùm nilon, đóng cheo leo trên bờ kinh, xa chợ, xa nhà, điều kiện sinh hoạt, đi lại thiếu thốn. Sau chuyến đi này, về Thích nữ sẽ kêu gọi bà con mình tiếp tục ủng hộ, ai có nhiều giúp nhiều, ít giúp ít, cùng chung tay góp phần làm vơi đi gánh nặng của con em mình ngoài chốt…".
Tinh thần tương thân, tương ái, đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại dịch bệnh COVID-19 của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được dấy lên mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh càng bùng phát, thì lại càng có nhiều các nhóm thiện nguyện mang theo hàng hóa, nhu yếu phẩm chuyển lên biên giới cho lực lượng chống dịch. Cái thiếu thốn, khó khăn, vất vả của các chiến sĩ chốt liên ngành cũng theo đó dần cải thiện, đi vào ổn định, sẵn sàng cho 1 cuộc chiến lâu dài. Nơi tiền tuyến các anh đã ấm lòng, vững một niềm tin chống dịch. Các anh tin ở hậu phương đã có các mẹ, các chị, có cả ông bà, cha mẹ, vợ và con của chính mình đã, đang và sẻ tham gia vào trận chiến chống dịch COVID-19.
Văn Dương - Tiến VinhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.