Kiên Giang: Triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2024
Chiều 15/1, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023; chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bào DTTS năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2024. Tham dự Hội nghị có ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc.
Trong năm 2023, tình hình kinh tế - đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, có bước nâng lên; các chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn từ các cơ quan trung ương; sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành trong tổ chức, triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định, phát huy hiệu quả các chính sách; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện tốt.
Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, tích cực sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, các Chương trình MTQG và các chính sách ASXH khác được các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Công tác xây dựng NTM được đồng bào quan tâm hưởng ứng thực hiện, đến nay đã có 42/49 xã vùng DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã vùng DTTS được công nhận xã NTM nâng cao. Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023 có 5.990 hộ nghèo, chiếm 1,28 % (trong đó hộ nghèo DTTS 1.679 hộ, chiếm 2,40%); hộ cận nghèo 10.438 hộ, chiếm 2,23 % (trong đó hộ cận nghèo DTTS có 2.548 hộ, chiếm 3,64 %).
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS luôn được giữ gìn và phát huy; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Hoa, Chăm và đồng bào dân tộc Khmer đón lễ, tết theo phong tục truyền thống; một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục duy trì việc dạy và học chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc người Khmer. Toàn tỉnh có 34 câu lạc bộ và đội văn hóa - nghệ thuật của người Hoa, người Khmer.
Trong năm, Đoàn nghệ thuật Khmer đã thực hiện 7 xuất diễn chương trình ca múa nhạc phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, có trên 5.000 lượt người xem; tổ chức kỷ niệm 49 năm ngày 4 vị Sư liệt sỹ tại Tháp Cù Là, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành.
Trong công tác giáo dục và đào tạo vùng DTTS tiếp tục được quan tâm thực hiện, nâng cao chất lượng. Số lượng giáo viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh hiện có 1.543 giáo viên, chiếm tỷ lệ 8,48%, có 3/6 trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt. Hoạt động y tế vùng DTTS không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân, 100% xã vùng DTTS có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trạm có bác sĩ là người DTTS làm việc đạt 6,2%; tỷ lệ ấp có cán bộ y tế là người DTTS đạt 3,78%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh 89,3%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 88,2%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia BHYT đạt 91% (từ đầu năm đến nay đã triển khai cấp 8.691 thẻ BHYT cho người DTTS). Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội vùng DTTS cơ bản được duy trì ổn định.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Dự án 1) hiện nay đang triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 472 hộ, nâng cấp, mở rộng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng DTTS.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3) đã triển khai hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo cho 4 hộ; tổ chức 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS cho 50 lượt thanh niên; 1 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh (Lớp dạy nghề đan cỏ bàng) tại huyện Giang Thành. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc (Dự án 4) mở rộng 33 công trình tuyến đường giao thông với 46.4km đường và cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS, 13 cây cầu nông thôn….
Cạnh đó, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm vận động, hỗ trợ, tặng quà đồng bào các DTTS, giúp đồng bào vui Xuân đón tết, an tâm lao động sản xuất (trong đó tỉnh xuất ngân sách hỗ trợ cho 2.552 hộ nghèo là người DTTS, mỗi hộ 500.000 đồng, với tổng số tiền là 1 tỷ 276 triệu đồng). Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tỉnh xuất ngân sách 994.000.000 đồng hỗ trợ cho 2.485 hộ nghèo người dân tộc Khmer trong tỉnh đón Tết (mỗi hộ 400.000 đồng); Nhân dịp Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh tổ chức 11 đoàn thăm, chúc mừng và tặng quà…
Việc dạy và học chữ Khmer trong dịp hè được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện, tỉnh đã cấp kinh phí 384.804.000 đồng mua sách giáo khoa Khmer ngữ và hỗ trợ giáo viên ngoài biên chế dạy chữ Khmer trong dịp hè; đồng thời các chùa Khmer đã tổ chức mở 187 lớp dạy chữ Khmer cho 4.655 sư sãi và con em đồng bào theo học, góp phần bảo tồn tiếng nói chữ viết của đồng bào tộc Khmer trong tỉnh.
Văn DươngNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.